Một vật thể bí ẩn có “từ tính cao” đã được phát hiện trôi nổi trên vùng biển gần nơi tàu ngầm KRI Nanggala-402 chở 53 người mất tích.
Ngày 21-4, tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia đang tiến hành tập trận phóng ngư lôi ở vùng biển thuộc phía bắc đảo Bali thì mất liên lạc.
Yudo Margono, Tham mưu trưởng hải quân Indonesia, cho biết, các nhà chức trách đã tìm thấy một vật thể chưa xác định có từ tính cao trôi nổi ở độ sâu từ 50-100m.
Giới chức hy vọng vật thể không xác định có thể là tàu ngầm KRI Nanggala-402 đang mất tích. Các nhà chức trách đang đợi một tàu hải quân có các phương tiện dò tìm dưới nước giúp họ điều tra thêm về vật thể này.
Cho đến nay, Hải quân Indonesia vẫn từ chối bình luận về việc liệu chiếc tàu ngầm chở 53 thủy thủ đoàn có hoạt động quá công suất hay không.
Tuy nhiên, Hải quân Indonesia cho biết, tàu ngầm có thể đã chìm xuống độ sâu lớn sau khi gặp sự cố mất điện khiến thủy thủ đoàn không thể điều khiển con tàu.
Theo ABC, nếu vật thể được phát hiện mới đây là một phần của tàu ngầm, hải quân Indonesia cho rằng, thủy thủ đoàn có thể đã xả nhiên liệu để tàu KRI Nanggala-402 có thể nổi lên sau khi gặp sự cố mất điện.
Các quan chức hải quân lo ngại rằng, tàu ngầm có thể đã chìm xuống độ sâu gần như sẽ phát nổ.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono trước đó nói rằng, tàu ngầm KRI Nanggala-402 chỉ có thể hoạt động an toàn ở độ sâu 250-500m. “Nếu tàu lặn sâu hơn mức này có sẽ nguy hiểm và gây tử vong”, ông Widjojono nói.
Vùng nước tàu KRI Nanggala-402 mất tích nông hơn so với các khu vực khác ở đảo Bali, nhưng vẫn có thể đạt độ sâu lên tới 1.500 m.
Thủy thủ đoàn trên tàu KRI Nanggala 402 có đủ dưỡng khí cho đến đầu ngày 24/4, tuy nhiên, thời gian không còn nhiều khi lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm ở khu vực ngoài khơi đảo Bali, nơi tàu ngầm biến mất, nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Còn thời gian cho đến khoảng 3h sáng 24-4. Hãy hy vọng chúng ta có thể tìm thấy họ trước thời điểm đó”, ông Margono nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cảnh báo rằng, con tàu có thể đã vỡ thành nhiều mảnh nếu chìm xuống độ sâu lên tới 700m, độ sâu cao hơn nhiều so với khả năng chịu đựng của tàu ngầm.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton nói rằng, thực tế tàu ngầm “ở một vùng nước rất sâu” khiến cho việc tìm kiếm hoặc xác định vị trí rất khó khăn.
Hải quân Indonesia cho biết, vị trí chính xác của con tàu vẫn chưa được xác định, trong khi các tàu chiến và máy bay trực thăng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm.
Singapore và Malaysia đã điều động tàu cứu hộ trợ giúp Indonesia tìm kiếm tàu ngầm mất tích, bao gồm cả tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue.
“Hiện còn quá nhiều điều chưa biết. Nhưng những gì chúng tôi biết là đó là đây là một cuộc chạy đua với thời gian”, Curie Maharani, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Bina Nusantara (Indonesia) nói.
Frank Owen, Thư ký Viện tàu ngầm Australia, cảnh báo rằng, việc giải cứu bất kỳ thủy thủ đoàn nào còn sống sót một cách nhanh chóng là điều gần như không thể.
“Nếu tàu ngầm ở độ sâu đó, Indonesia sẽ có rất ít khả năng để đưa được người trong tàu ngầm ra ngoài”, ông Owen nói./.