Theo yêu cầu của Séc, trước 12 giờ thứ 5 ngày 22-4, nếu Nga không nhận lại tất cả 20 nhà ngoại giao Séc vừa mới bị Nga trục xuất, Séc sẽ cắt giảm số lượng nhà ngoại giao của Nga tại Séc xuống bằng với quân số của Đại sứ quán Séc tại Nga hiện nay.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jakub Kulhanek ngày 21-4 đã thông báo tối hậu thư cho Đại sứ Nga tại Séc Alexander Zmeevsky về việc yêu cầu Nga rút lại lệnh trục xuất 20 nhà ngoại giao Séc hôm 18-4.
Theo yêu cầu của Séc, trước 12 giờ thứ 5 ngày 22-4, nếu Nga không nhận lại tất cả 20 nhà ngoại giao Séc vừa mới bị Nga trục xuất, Séc sẽ cắt giảm số lượng nhà ngoại giao của Nga tại Séc xuống bằng với quân số của Đại sứ quán Séc tại Nga hiện nay.
Điều này cũng đồng nghĩa nếu Nga không thực hiện tối hậu thư thì Đại sứ quán Nga ở Séc cũng giảm xuống còn 5 người. Theo ông Kulhanek, phản ứng trục xuất đáp trả của Nga là không cân xứng và đã làm tê liệt Đại sứ quán Séc tại Nga. Điều này đã khiến quan hệ Séc-Nga bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Ông Kulhanek cũng cho biết, quyết định của ông đã nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Séc bao gồm Tổng thống Milos Zeman và Thủ tướng Andrej Babis.
Bước đi của tân Bộ trưởng Kulhanek cũng được các chính trị gia Séc ủng hộ và đánh giá cao. Theo các chính trị gia Séc, đây là bước đi chưa từng có nhưng hợp lý trong chính sách ngoại giao của Séc. Nó cho thấy Séc không muốn cứng rắn và cho Nga cơ hội để xem xét lại quyết định của mình. Đề xuất của Séc đã có thời hạn cụ thể và nó cần phải nhận được câu trả lời.
Ngoài bước đi này, trước đó, Séc cũng đã kêu gọi các đồng minh của mình trong EU và NATO thể hiện tình đoàn kết ủng hộ Séc bằng cách xem xét trục xuất đồng loạt các nhà ngoại giao Nga trên lãnh thổ của mình.
Ngày 17-4, Séc đã trục xuất 18 nhân viên của Đại sứ quán Nga với cáo buộc là cộng tác viên của cơ quan mật vụ Nga. Trong một phản ứng đáp trả, Nga đã trục xuất 20 nhà ngoại giao Séc chỉ một ngày sau đó. Quyết định của Nga đã làm tê liệt phần lớn hoạt động của Đại sứ quán Séc ở Moscow.
Ông Kulhanek nhận quyết định bổ nhiệm ngày 21-4, trước đây đã từng là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Người tiền nhiệm của ông, Tomas Petricek, đã bị sa thải sau khi thất bại trong cuộc bầu cử vào vị trí lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội vừa qua và đã để mất lòng các lãnh đạo cấp cao của Séc khi phản đối việc sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga.
Trong cuộc họp báo, tân Bộ trưởng Ngoại giao Kulhanek đã chỉ ra những ưu tiên của mình trong vị trí mới đó là ưu tiên thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích quốc gia bao gồm cả thúc đẩy ngoại giao kinh tế. Đồng thời, ông cũng muốn giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay liên quan đến dịch Covid-19 và khôi phục du lịch. Tiếp đó, ông sẽ đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của Cộng hòa Séc trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Ông nhấn mạnh rằng điều cần thiết là các nhà lãnh đạo và chính trị gia hàng đầu của Séc phải hành động như một mặt trận thống nhất trong các vấn đề chính sách đối ngoại.
Trước đó, trong thời gian chờ bổ nhiệm tân Bộ trưởng Ngoại giao Séc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek đã buộc phải kiêm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Séc. Ông này cũng hủy chuyến thăm Nga để tìm cách thảo luận về việc cung cấp vắc xin Sputnik V sau khi hai nước xảy ra xung đột về ngoại giao.
Liên quan về vấn đề xung đột hiện nay, lãnh đạo Séc cho biết họ có các bằng chứng cho thấy sự tham gia của hai đặc vụ thuộc đơn vị 29155 của cơ quan tình báo quân sự Nga trong vụ nổ kho vũ khí ở Vrbetice vào năm 2014. Cùng ngày, Thủ tướng Andrej Babis cho biết nước này sẽ có phản ứng trước việc trục xuất các nhà ngoại giáo Séc mà không có lý do chính đáng./.