Sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Donbass và xa hơn là Crimea có thể mở ra một giai đoạn xung đột với Nga, mặc dù mối quan hệ giữa Ankara và Moscow cho tới thời điểm này vẫn tương đối tốt đẹp.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ukraine và Nga gia tăng, cả 2 nước đều đang tăng cường lực lượng quân đội gần biên giới. Nếu xung đột leo thang ở khu vực Donbass giàu năng lượng ở miền Đông Ukraine, Kiev sẽ dựa vào sự hỗ trợ trực tiếp từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, với quân đội lớn thứ 2 trong khối NATO, sẽ phản ứng thế nào nếu xung đột tràn vào khu vực Biển Đen, khi mà nước này có mối quan hệ tốt đẹp với cả Ukraine và Nga?
Làm bạn với cả Nga và Ukraine
Thổ Nhĩ Kỳ tương đối bị động khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine lần đầu tiên nổ ra năm 2013, dù Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chính thức chỉ trích hành động của Nga ở Crimea năm 2014. Trong bối cảnh hiện nay, bất chấp những căng thẳng ở Donbass, mối quan hệ của Ankara với Moscow vẫn khá tốt đẹp.
Ngay cả khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các bên khác nhau trong các cuộc xung đột ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, hai nước vẫn có thể tạo dựng một “liên minh tình huống” trên thực tế.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không ngừng phát triển các mối quan hệ thương mại. Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ - một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Năm 2020, Nga hoàn thành xây dựng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép Moscow vận chuyển khí đốt tới Nam Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần phải đi qua Ukraine.
Nga là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và việc vận chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp ích phần nào cho tham vọng của Ankara trở thành một trung tâm năng lượng của khu vực. Ngoài ra, Nga cũng tham gia tích cực vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài mối quan hệ tốt đẹp với Nga, Ankara cũng có mối quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự khá chặt chẽ với Ukraine. Tháng 10/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo tàu chiến, UAV và turbine. Mới đây nhất, Ankara và Kiev tổ chức cuộc họp 2+2 của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hôm 23/3 vừa qua.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây tuyên bố trực thăng tấn công hạng nặng ATAK 2 sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023 với động cơ do Ukraine sản xuất. Trong khi đó, Ukraine đã mua 12 chiếc UAV chiến thuật Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Loại UAV này đã chứng minh hiệu quả trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh mùa thu năm ngoái và có thể sẽ trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột kéo dài 6 năm ở Donbass.
Ukraine dự kiến mua thêm 5 chiếc Bayraktar trong năm nay và có các kế hoạch hợp tác kinh doanh dài hạn với nước láng giềng bên kia bờ Biển Đen, trong đó có cả dự án chung sản xuất máy bay.
Bài toán cân bằng phức tạp
Hiện nay có các dấu hiệu cho thấy Ukraine đang chuẩn bị cho tình huống leo thang xung đột ở Donbass, và việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự tích cực vào vấn đề này chính là lý do giới chức Ukraine thường nhắc tới Thổ Nhĩ Kỳ như một “đối tác chiến lược rất đáng tin cậy”.
Trong khi đó, cách mà Nga nhắc tới Thổ Nhĩ Kỳ đã khác trước. Năm 2018. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nói về việc thúc đẩy “đối tác chiến lược” giữa 2 nước. Tuy nhiên, năm 2020, ông Lavrov lại nói rằng “Nga chưa bao giờ coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh chiến lược”.
Không khó để hiểu vì sao có sự thay đổi như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ muốn là thế lực thống trị ở khu vực Biển Đen và Nga lại là thách thức thực sự duy nhất. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ lịch sử với Crimea, cũng như các mối quan hệ tôn giáo và sắc tộc với người Tatars ở Crimea, một nhóm thiểu số nói tiếng Thổ (Turkic) chiếm 13% dân số ở bán đảo này.
Crimea là một nhà nước vệ tinh của Đế chế Ottoman từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Người Tatar ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi bán đảo này là một phần của “thế giới Turkic” và có thể sẽ chẳng mong muốn gì hơn ngoài việc Ankara trở thành một vùng đệm chống lại Nga.
Trước mắt, bất cứ sự can dự nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào Ukraine đều sẽ khiến nước này rơi vào thế khó xử, bởi Ankara có những lợi ích nhất định trong việc duy trì mối quan hệ đối tác với cả Kiev và Moscow.
Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì thế cân bằng phức tạp đó, nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện nay? Kịch bản khả thi nhất là Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ủng hộ Kiev, ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine – ít nhất là bằng lời nói – nhưng sẽ không làm bất cứ điều gì gây căng thẳng với Moscow.
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Istanbul ngày 10/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi chấm dứt những diễn biến “đáng lo ngại” ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Ông hy vọng xung đột sẽ được giải quyết một cách hòa bình, thông qua đối thoại dựa trên các giải pháp ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã có cơ chế 2+2 để thảo luận về hợp tác công nghiệp quốc phòng, nhưng đây không phải là động thái nhằm vào các nước thứ 3.
Nga vẫn chưa chính thức phàn nàn về việc Thổ Nhĩ Kỳ bán vũ khí cho Ukraine, cho dù UAV Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Ukraine giành lại Donbass. Cho dù xung đột ở khu vực này leo thang, thì cũng khó có thể lan tới Crimea – ít nhất là trong thời gian ngắn.
Bức tranh dài hạn hơn thì khá phức tạp. Nếu cán cân sức mạnh ở Donbass nghiêng về phía Ukraine, Nga có thể sẽ coi mối quan hệ quân sự giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là với Crimea, nơi mà Ankara chhắc chắn sẽ ủng hộ Kiev và ủng hộ người Tatar ở Crimea.
Với xu hướng ngày càng “hung hăng” hơn trong chính sách đối ngoại của Ankara những năm gần đây, khó có thể loại trừ khả năng can dự ngày càng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ vào Donbass. Và sau Donbass, một khu vực xung đột mới có thể nổi lên ở Bán đảo Crimea./.