Nếu được thông qua tại Thượng viện, Dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 sẽ huy động tất cả các công cụ chiến lược, kinh tế, và ngoại giao của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc, phá bỏ các rào cản tương tác giữa giới chức Mỹ và giới chức Đài Loan...
Giới lập pháp Mỹ đang có kế hoạch giới thiệu dự luật mới vào tuần tới nhằm chống lại Trung Quốc một cách toàn diện. Cụ thể, dự luật mới sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc, thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Đài Loan, và có thể áp thêm các kiềm chế đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc cũng như các tuyên bố chủ quyền phi lý của họ. Ngoài ra còn có cả các biện pháp khác nữa.
Huy động tổng lực sức mạnh Mỹ để đối đầu với Trung Quốc
Nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez của bang New Jersey – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, và nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch bang Idaho, phát biểu vào hôm 8/4 (giờ Mỹ) rằng họ sẽ đưa ra thảo luận Dự luật Cạnh tranh Chiến lược 2021 (Dự luật Menendez-Risch) tại ủy ban này vào ngày 14/4 tới đây.
Nghị sĩ Menendez nói: “Tôi rất tự hào được công bố nỗ lực lưỡng đảng này nhằm huy động tất cả các công cụ chiến lược, kinh tế, và ngoại giao vào một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho phép quốc gia của chúng ta thực sự đối diện với các thách thức do Trung Quốc gây ra cho an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của chúng ta”.
Dự luật kêu gọi áp lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc là “ép lao động, ép triệt sản, và thực hiện các lạm dụng khác ở Tân Cương”. Các nhóm nhân quyền đã trích dẫn các báo cáo và nhân chứng của Liên Hợp Quốc cho biết có tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đang bị nhốt trong các “trại cải tạo” ở Tân Cương. Bắc Kinh đã liên tục bác bỏ các cáo buộc này, khẳng định rằng các trại này chỉ là các trung tâm dạy nghề.
Về vấn đề Tân Cương, dự luật nhất trí một phần với phương thức mà các chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã áp dụng để đương đầu với Trung Quốc. Cả hai vị lãnh đạo này đều áp dụng lệnh trừng phạt đối với các quan chức bị tố lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương.
Tuy nhiên, dự luật của hai nghị sĩ Menendez và Risch cũng sẽ dành 10 triệu USD để “thúc đẩy dân chủ ở Hong Kong” và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ viết một báo cáo về “mức độ chính quyền Trung Quốc sử dụng vị thế của Hong Kong để lách luật của Mỹ”.
Dự luật trên xuất hiện theo sau sự gia tăng căng thẳng quân sự liên quan đến hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc) và vấn đề Biển Đông.
Xoáy mạnh vào vấn đề Đài Loan, ngăn chặn sức mạnh quân sự Trung Quốc
Dự luật này lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối từ bỏ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục, và cho rằng quan điểm của Trung Quốc về việc chỉ có duy nhất sự lựa chọn tái thống nhất đã khiến cho mục tiêu này mang tính cưỡng ép.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ vô hiệu hóa tất cả các hạn chế lên tương tác giữa quan chức Mỹ với giới chức Đài Loan.
Ngoài ra, dự luật này còn kêu gọi có thêm hành động củng cố quan hệ quân sự với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cụ thể, dự luật có đoạn sau: “Mỹ nên vạch kế hoạch xuất khẩu sang các đồng minh và đối tác của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương các năng lực có vai trò trọng yếu trong duy trì thế cân bằng quân sự có lợi trong vùng, bao gồm hỏa lực chính xác tầm xa, các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, các tên lửa hành trình diệt hạm, các tên lửa hành trình tấn công mặt đất, các hệ thống siêu thanh thông thường, các năng lực tình báo, theo dõi, và trinh sát, và cả các hệ thống chỉ huy và kiểm soát”.
Một điều khoản khác trong dự luật này sẽ giới hạn trợ giúp cho các nước nào sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi đặt các thiết bị, cơ sở quân sự của Trung Quốc. Điều khoản này cũng tuyên bố Bắc Kinh dùng Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng tầm vươn quân sự của mình.
Dự luật cũng ép Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào năm 2016 bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo ở Biển Đông, coi yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp.
Bảo vệ bí mật công nghệ Mỹ trước tai mắt của Trung Quốc
Liên quan đến các mối đe dọa trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, dự luật kêu gọi mở rộng quy mô của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) nhằm giám sát mối quan hệ giữa các thể chế giáo dục giữa Trung Quốc và Mỹ.
Cơ quan trên kiểm tra các giao dịch tài chính để phát hiện các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho các công ty nước ngoài để bảo đảm rằng các công nghệ này không bị sử dụng cho mục đích đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Chính phủ Mỹ đang ngày càng dựa vào các báo cáo của CFIUS để ngăn ngừa việc chuyển giao cho quân đội Trung Quốc các công nghệ dân sự của Mỹ có thể dùng được cho các mục đích quân sự (công nghệ lưỡng dụng). Ngoài ra các báo cáo này cũng chặn việc bán cho các thể chế thương mại Trung Quốc có sở hữu hệ thống dữ liệu lớn chứa đựng thông tin nhận diện cá nhân.
Dự luật Menendez-Risch sẽ đưa bộ giáo dục Mỹ trở thành một phần trong CFIUS và yêu cầu “đánh giá liệu có các hoạt động gián điệp hoặc gây ảnh hưởng của nước ngoài nhằm vào các thể chế giáo dục đại học để thu thập các phương pháp nghiên cứu-phát triển và các bí mật liên quan đến các công nghệ quan trọng”.
Nghị sĩ Risch cho biết, dự luật mới nhằm xử lý ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trên toàn cầu và nhất là trong hệ thống đại học của Mỹ.
Khi được hỏi về dự luật trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói: “Chúng tôi đã nói về cạnh tranh với Trung Quốc như một thách thức điển hình đối diện chính quyền Mỹ hiện tại. Chúng tôi sẽ có mức độ thành công lớn nhất khi chúng tôi cùng hợp tác với Quốc hội, và khi các đề xuất của chúng tôi giành được sự ủng hộ từ cả hai đảng... Chúng tôi phấn khởi khi biết rằng có mức độ đồng thuận cao giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cách tiếp cận chính quyền Trung Quốc”.
Dự luật Menendez-Risch xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Biden công bố một tài liệu về chính sách an ninh quốc gia, với nội dung nhấn mạnh Mỹ cần củng cố liên minh với các “nước dân chủ” và gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ để tạo ra một thách thức thực sự đối với hệ thống quốc tế ổn định và mở”./.