Tổng thống Joe Biden sẽ là nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng trong “thế hệ lặng im” sinh ra trong thời kỳ Thế chiến 2. Đây là thời kỳ bùng nổ kinh tế tại Mỹ, hình thành tầng lớp trung lưu và củng cố vai trò công nghiệp hàng đầu của Mỹ.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá, ở giai đoạn nửa sau cuộc đời, Tổng thống Biden đã chứng kiến tầng lớp trung lưu không còn nắm giữ nhiều tài sản quốc gia và phát triển kinh tế tại Mỹ chỉ tập trung vào một vài khu vực. Vùng vành đai công nghiệp dần phai nhạt vai trò, trong khi khoảng cách giàu nghèo giữa người da màu và da trắng ngày càng nới rộng.
Ngày 31-3 vừa qua, ông Biden đã công bố gói đầu tư trị giá 2.000 tỷ USD và nhiều chuyên gia đánh giá đây là động thái để thay đổi xu hướng đã diễn ra trong nửa thế kỷ qua đồng thời chuyển vốn sang người dân và những khu vực bị quên lãng tại Mỹ.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng, việc làm và tăng thuế doanh nghiệp của Tổng thống Biden đi ngược lại với phong cách “nuông chiều” thị trường tư nhân hình thành từ năm 1980 và kéo dài nhờ nhiều lần giảm thuế, bãi bỏ điều lệ quản lý của lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ.
Dường như ông Biden đã học hỏi, tham khảo từ những lãnh đạo đảng Dân chủ trong thời kỳ ông trưởng thành vào thập niên 60 của thế kỷ trước để hình thành kế hoạch mới.
Ví dụ như việc tập trung vào đầu tư công của cựu Tổng thống John Kennedy hay chủ trương tăng cường mạng lưới an sinh xã hội của cựu ông chủ Nhà Trắng Lyndon Johnson. Ngoài ra, nó còn phản ánh đạo luật ra đời năm 1956 dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower mà theo đó, chính phủ chi trả hầu hết cho việc xây dựng cao tốc liên bang.
Giáo sư Simon Johnson tại Học viện Công nghệ Massachusetts nhận xét về kế hoạch của Tổng thống Biden: “Chúng dường như dựa trên ý tưởng rằng có thể đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng và nhân rộng điều này ra khắp cả nước bằng đầu tư công hợp lý”.
Kế hoạch của ông Biden được đưa ra sau cam kết năm 2020 về việc chi hơn 5.000 tỷ USD chống dịch COVID-19, trong đó phần lớn được dùng để chi trả trực tiếp cho các hộ gia đình và người thất nghiệp.
Theo chính quyền Mỹ, vết sẹo từ đại dịch vẫn còn khá lớn và việc rót ngân sách cho các cộng đồng, nghiên cứu công nghệ, tạo công ăn việc làm sẽ là biện pháp để chữa lành. Nhiều ý tưởng trong kế hoạch của Tổng thống Biden đã được nghiên cứu tại các trường đại học, học viện qua nhiều năm.
Trong bài phát biểu ngày 31-3, ông Biden có nhấn mạnh rằng cách đây nhiều thập niên, Mỹ thường dành 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) dành cho nghiên cứu và phát triển, nhưng hiện nay con số này chỉ còn chưa đầy 1%, ngay cả khi nhiều nước khác đã tăng cường đầu tư.
Giám đốc nghiên cứu của tập đoàn Economic Innovation (Mỹ) Kenan Fikri đánh giá kế hoạch của ông Biden phản ánh nỗ lực "giải quyết tình trạng mất cân bằng đang ngày càng nới rộng”. Đề xuất của nhà lãnh đạo Mỹ hướng tới đầu tư vào cộng đồng người da màu.