Tổng thống Moon Jae-in là nhà lãnh đạo quốc gia thứ hai hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Cuộc hội đàm Thượng đỉnh lần này là một dấu ấn thực chất cho sự phát triển của quan hệ hai nước.
Tại các cuộc hội đàm cấp cao, hai bên đều nhấn mạnh rằng, quan hệ Hàn Quốc và Mỹ là mối quan hệ "vững chắc" bắt nguồn từ "tình hữu nghị, sự tin tưởng lẫn nhau và các giá trị chung" giữa hai nước.
Về phía Mỹ thì luôn khẳng định rằng Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của nước này, liên minh Mỹ - Hàn không chỉ thúc đẩy an ninh, hòa bình và thịnh vượng của hai nước mà còn góp phần củng cố an ninh, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Washington cam kết bảo vệ Hàn Quốc trước mọi động thái sử dụng vũ lực.
Phía Hàn Quốc cũng cho rằng quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ là "nền tảng" trong chính sách ngoại giao của Seoul, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới. Hai bên hy vọng quan hệ đối tác sẽ phát triển theo hướng "lành mạnh hơn, cùng có lợi và toàn diện”. Ngay sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khẳng định tiếp tục tăng cường mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc trên nhiều phương diện.
Nỗ lực tháo gỡ bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên
Một trong những vấn đề được Hàn Quốc quan tâm hàng đầu hiện nay là cách xử lý vấn đề Triều Tiên. Hàn Quốc đã nhiều lần bày tỏ mong muốn làm trung gian kết nối giữa Triều Tiên với chính quyền mới ở Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Hàn Quốc và Mỹ đang có cách tiếp cận rất khác nhau trong vấn đề này.
Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên luôn là vấn đề được cả Mỹ và Hàn Quốc quan tâm từ những nhiệm kỳ Tổng thống trước. Đặc biệt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump, vấn đề Triều Tiên đã được xúc tiến mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua, tới mức có lúc dư luận tưởng gần như đã có phương án giải quyết vấn đề vốn đã bế tắc từ nhiều năm.
Tuy nhiên, quan điểm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên vẫn là điểm chung trong chính sách ngoại giao của Mỹ được duy trì từ nhiệm kỳ trước, nhưng cách thức giải quyết của chính quyền Tổng thống Joe Biden chắc chắn có những bước đi khác biệt. Theo phân tích của các chuyên gia, chính phủ Mỹ sẽ lập chính sách đối với Triều Tiên dựa trên các hạng mục nhất trí của chính phủ tiền nhiệm và thỏa thuận giữa lãnh đạo Mỹ - Triều tại Singapore vào tháng 6-2018.
Như vậy, khả năng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công nhận thỏa thuận giữa chính phủ tiền nhiệm đối với Triều Tiên, tiếp tục thúc đẩy ngoại giao tích cực với Bình Nhưỡng. Điều này có thể sẽ được trực tiếp ông Joe Biden công bố với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc hội đàm dự kiến diễn ra vào ngày 22 tới. Nếu như vậy, đây có thể là một “món quà đầy ý nghĩa” đối với Tổng thống Moon Jae-in, “bù đắp” cho việc lao tâm khổ tứ làm trung gian thúc đẩy quan hệ Mỹ-Triều. Nó có thể trở thành di sản đối ngoại của ông Moon trong nhiệm kỳ của mình.
Trước đó, trong tất cả các phát biểu, thông cáo báo chí… liên quan đến vấn đề Triều Tiên, hai bên đều thống nhất quan điểm cho rằng hạt nhân và những vấn đề khác của Triều Tiên là những vấn đề quan trọng cần được giải quyết khẩn cấp, cụ thể hai nước phải xây dựng và thực thi chiến lược "phối hợp đầy đủ" trong vấn đề Triều Tiên, nhất trí phối hợp chặt chẽ trong quá trình Mỹ xem xét, thực thi chính sách đối với Triều Tiên.
Như vậy, trong cuộc gặp Thượng đỉnh lần này, hai bên có thể sẽ thống nhất được việc hợp tác để có những cuộc gặp với Triều Tiên trong thời gian tới.
Triển vọng về “Bộ tứ kim cương +”
Có nhiều nguồn tin dự đoán, trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, ông Joe Biden sẽ đề cập đến việc Hàn Quốc tham gia vào Bộ tứ kim cương để thành “Bộ tứ kim cương +” và đây sẽ là một lựa chọn rất khó khăn cho Hàn Quốc.
Sự liên kết 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia hay còn gọi là “Bộ tứ kim cương” là một mối quan hệ đặc biệt giữa bối cảnh Ần Độ vẫn tiềm ẩn căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề biên giới và Australia hối thúc một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19. Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ tỏ ra gay gắt về hành động đơn phương của Trung Quốc mang tính quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Riêng Mỹ trong thời gian qua đã gây sức ép với Trung Quốc thông qua biện pháp trừng phạt kinh tế.
Với những lý do trên, dường như Bộ tứ kim cương được thành lập với mục đích chủ yếu mong muốn tạo ra một liên minh các nước dân chủ mới nhằm đối kháng với Trung Quốc, đồng thời hy vọng phát triển một đồng minh đa quốc gia, trong đó có thể bao gồm thêm các nước như Hàn Quốc, Việt Nam… để cùng tạo ra “chuỗi cung ứng mới” cho thế giới. Có nghĩa 4 nước đồng thời với tăng cường sức mạnh quân sự sẽ tăng cường sức mạnh kinh tế tạo sự đối chọi với Trung Quốc.
Thúc đẩy hiện thực hóa khu vực 4 nước cũng là một nhiệm vụ ngoại giao quan trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Điều này đã được chính Tổng thống Joe Biden cam kết trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và một số diễn đàn khác.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia quốc tế, ở thời điểm hiện tại, Washington không có kế hoạch mở rộng Bộ Tứ thành Bộ Tứ Kim cương+, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Có nhiều dự đoán cho rằng có thể phải từ năm 2024 trở đi miễn dịch cộng đồng COVID-19 mới có khả quan. Sau đó, các nước mới thực sự bắt tay vào khôi phục nền kinh tế và tập trung chủ yếu vào những vấn đề lớn trong nước.
Từ góc độ đó, trong cuộc hội đàm Thượng đỉnh Hàn - Mỹ lần này, phía Mỹ có thể sẽ có thể chia sẻ thông tin về Bộ tứ và hy vọng Hàn Quốc sẽ ủng hộ, nhưng ít có khả năng đề cập trực tiếp tới việc mở rộng với sự tham gia của Hàn Quốc. Nếu như vậy, Hàn Quốc có thể tạm “thở phào” để có thể tập trung vào những vấn đề quan trọng mà nước này mong muốn như tìm kiếm sự ủng hộ, hợp tác của Mỹ để Hàn Quốc sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 toàn cầu hay thúc đẩy các cuộc gặp hướng tới thúc đẩy vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên./.