Theo kênh CNN (Mỹ), báo cáo hằng ngày của Đài quan sát núi lửa Goma (GVO) cho biết, các trận động đất được ghi nhận xung quanh núi lửa Nyiragongo, ngọn núi lửa phun trào một tuần trước. Cơ quan này giải thích, miệng núi lửa "đang tiếp tục sụp đổ, điều này đã góp phần gây động đất và tạo ra lượng tro bụi lớn có thể nhìn thấy từ Goma".
Núi lửa Nyiragongo cao hơn 3.500m, nằm cách Goma - thành phố với 670.000 dân, khoảng 15km.
Hôm 28-5, phát ngôn viên của chính quyền địa phương cho biết, khoảng 400.000 người đã sơ tán khỏi thành phố khi giới chức cảnh báo về lần phun trào thứ hai. Vụ phun trào đầu tiên vào hôm 22-5 đã khiến ít nhất 31 người thiệt mạng.
Kể từ đó, khu vực này chứng kiến hàng loạt dư chấn và động đất, một số trận động đất có thể được cảm nhận từ thủ đô Kigali của Rwandan, cách núi lửa trong Vườn quốc gia Virunga hơn 100km.
Cảnh báo của GVO cho biết, dòng dung nham núi lửa "có thể gây ngạt thở, bỏng nặng hoặc tử vong".
Giới chức đã đưa ra 4 kịch bản, trong đó kịch bản tích cực nhất là các trận động đất dừng lại và không có vụ phun trào thứ hai nào xảy ra.
Tuy nhiên, cơ quan cũng lưu ý rằng, kịch bản tồi tệ nhất là khi dung nham tiếp tục chảy qua khe nứt về phía hồ Kivu, khả năng sẽ tạo ra một vụ phun trào limnic (phun trào CO2) dưới lòng hồ, có thể thải ra khí độc gây chết người và phun trào các mảnh vụn.
Giới chức kêu gọi mọi người nên tránh xa và giám sát trẻ em ở các khu vực trũng thấp. Đồng thời, họ cũng cảnh báo người dân nên đề phòng trong việc sử dụng nước uống và rửa rau vì tro núi lửa có thể làm ô nhiễm các bể chứa.