Các quan chức quốc phòng và các nhà chính trị gia tại Australia ngày càng theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Một nguồn tin mới được tiết lộ cho biết, vào năm 2020, một cựu tướng cấp cao của Australia đã cảnh báo quân đội nước này về khả năng cao xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Thông tin được đưa ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đưa ra đánh giá cho rằng, hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan có thể dẫn đến một cuộc xung đột trong khu vực.
Tư thế phòng thủ mạnh mẽ hơn của Australia cùng việc nước này gia tăng chi tiêu quốc phòng bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được cho là cách tiếp cận theo hướng đề phòng với Trung Quốc. Trước đó, Australia từng cố gắng cân bằng quan hệ kinh tế đối với Bắc Kinh - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, dù có các cam kết quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ với Mỹ.
Về phần mình, Washington dường như đang ủng hộ các nỗ lực của Canberra, bằng cách đẩy mạnh quan hệ hợp tác ngoại giao và quốc phòng với đồng minh để vạch ra các kế hoạch đối phó Trung Quốc.
Những thách thức về kinh tế và quân sự mà Trung Quốc đặt ra rất thực tế và lập trường cứng rắn của Australia cho thấy tham vọng mở rộng lãnh thổ và trở thành siêu cường kinh tế của Bắc Kinh đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ.
Australia sẵn sàng chống lại hành vi cưỡng ép về kinh tế và gây ảnh hưởng về chính trị của Bắc Kinh. Để đáp trả, Trung Quốc đã áp đặt một loạt thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia nhằm làm co hẹp lĩnh vực kinh tế đầu tàu của nước này. Ông Heino Klinck, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Á nhận xét: “Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm rằng, nước này sẽ đẩy lùi tất cả các giới hạn để dồn Australia vào thế bí. Qua đó, Bắc Kinh cũng muốn gửi thông điệp tới nhiều quốc gia khác”.
Kế “giết gà dọa khỉ” phản tác dụng
Trong những năm qua, Australia và một số quốc gia khác trong khu vực, đã được hưởng lợi từ một mối quan hệ kinh tế phát triển mạnh mẽ với Trung Quốc trong khi được che chở dưới chiếc ô an ninh của Mỹ. Các nhà lãnh đạo của Australia, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Kevin Rudd thường đóng vai trò là nhân vật trung gian nhằm xoa dịu những mối lo ngại và những lời chỉ trích mạnh mẽ về sự trỗi dậy của Bắc Kinh, để duy trì việc xuất khẩu quặng sắt, than và nguyên liệu thô sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tâm lý người dân Australia đã bắt đầu thay đổi sau cuộc điều tra của chương trình truyền hình nổi tiếng Four Corners vào năm 2017 về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền chính trị nước này, tiếp đến là loạt báo cáo, vụ kiện và nhiều cáo buộc được đưa ra. Nhưng phải đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mới đặt dấu chấm hết cho sự lạc quan về triển vọng trong quan hệ với Trung Quốc.
Khi Australia trở thành một trong những quốc gia đầu tiên kêu gọi cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Bắc Kinh đã ra đòn đáp trả nhắm thẳng vào điểm yếu của Australia: lĩnh vực xuất khẩu. Trung Quốc hạn chế nhập khẩu hoặc áp thuế mạnh tay đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Australia, chẳng hạn như sắt, than, lúa mạch, lúa mì, rượu vang và cừu.
Quyết định của Bắc Kinh đã khiến các nhà xuất khẩu Australia thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD vào năm 2020. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Australia mà còn là cú đòn chí mạng đối với một số ngành nghề vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chưa hết, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã tái khẳng định áp thuế trừng phạt kéo dài 5 năm đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia.
Chuyên gia Klinck nhấn mạnh: “Chúng ta có lẽ quá quen thuộc với một câu ngạn ngữ của Trung Quốc là “giết gà dọa khỉ”. Nguồn gốc của hành động này bắt nguồn từ việc Australia kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về dịch Covid-19. Trung Quốc đã quyết định trừng phạt Australia để nêu gương, nhằm ngăn cản bất cứ quốc gia nào theo đuổi cách tiếp cận tương tự”.
Australia đã bắt đầu điều chỉnh lại các khía cạnh trong quan hệ với Trung Quốc, hủy bỏ một loạt dự án đầu tư của Trung Quốc vào nước này và xem xét kỹ lưỡng hơn 1.000 thỏa thuận đang được đề xuất giữa hai nước.
Quyết định của Australia hủy bỏ 2 thỏa thuận do bang Victoria ký kết với Trung Quốc liên quan đến Sáng kiến Vành đai – Con đường và thông qua luật mới cho phép chính phủ liên bang điều chỉnh lại thỏa thuận mà các bang ký kết với nước ngoài, đã bị Bắc Kinh coi là một “sự xúc phạm đặc biệt”. Trong phản ứng “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc ngày 6/5 quyết định "đình chỉ vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ" thỏa thuận Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết thỏa thuận giữa hai quốc gia đã được rút "dựa trên thái độ hiện tại" của chính phủ Australia.
Bắt tay đồng minh vạch kế hoạch đối phó Trung Quốc
Trong 2 thập kỷ qua, hải quân Trung Quốc đang chuyển mình từ lực lượng phòng thủ ven biển thành lực lượng hải quân biển xanh (Blue-water Navy - Đây là một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà - ND). Ngành công nghiệp đóng tàu của nước này cũng đang vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới.
Về phần mình, Australia dự kiến chi hơn nửa tỷ USD nâng cấp căn cứ quân sự và các hoạt động hợp tác với Mỹ, trong bối cảnh các nước này ngày càng lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Quá trình nâng cấp quân đội Australia sẽ bắt đầu vào năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Bên cạnh đó Mỹ và Australia cũng nhất trí sẽ tổ chức tập trận chung 2 năm một lần.
Cả Mỹ và Australia đều mong đợi một cuộc Đối Thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 2 nước vào cuối năm để củng cố mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn và tái khẳng định sự vững chãi của liên minh 70 năm tuổi.
Ông Eric Sayers, thành viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận xét: “Tôi cho rằng, có sự đồng thuận ngày càng gia tăng tại Mỹ và Australia về bản chất thực sự của Trung Quốc. Tâm lý lạc quan vào triển vọng quan hệ với Trung Quốc đang mất dần, đặc biệt là tại Australia. Có quá nhiều bằng chứng cho thấy điều đó”.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp có trụ sở tại California nhận định: “Điểm đáng chú ý nhất là Mỹ và Australia đều có lập trường giống nhau khi nói về việc đối phó với Trung Quốc. Đây là điều rất ngạc nhiên bởi trong quá khứ Australia từng không muốn đẩy quan hệ với Trung Quốc xuống quá thấp”./.