Cuộc tập trận quân sự Trojan Footprint ở châu Âu của Mỹ, NATO và một số quốc gia khác diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng.
Các thành viên của Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ (SEAL) từ Virginia Beach sẽ hoạt động ở Romania trong suốt tháng này như một phần thuộc các lực lượng đặc biệt của Mỹ tham gia vào cuộc tập trận quân sự Trojan Footprint ở 5 nước Đông Âu cùng với 600 binh lính thuộc NATO và không thuộc NATO, trong đó có cả các binh lính từ Ukraine và Georgia. Cuộc tập trận diễn ra trong tháng này có quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc tập trận chung Defender-Europe 21 của NATO với khoảng 28.000 quân từ 26 quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, cả 2 cuộc tập trận, vốn được lên kế hoạch trong thời gian dài, đều diễn ra sau một loạt động thái của Nga mà Mỹ và NATO cho là "hung hăng" ở khắp châu Âu.
Cuộc tập trận thường niên này đã bị hủy bỏ vào năm ngoái do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và sau hơn 1 năm, không phải ngẫu nhiên, hoạt động này được tiến hành giữa lúc căng thẳng Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng.
"Chúng ta phải mạnh mẽ và ủng hộ các đồng minh của chúng ta khi xuất hiện mối đe dọa. Khi chúng ta mạnh mẽ, khi chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ thấy hiệu quả thực sự trước những vấn đề có thể xảy ra", David Muniz, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở Romania cho hay.
"Bằng cách này, chúng ta có thể chấm dứt những rắc rối", nhà ngoại giao này đánh giá.
Trong khi một số lực lượng của Nga gần đây đã rút khỏi biên giới Ukraine thì Hải quân nước này vẫn tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đen.
Người đứng đầu lực lượng đặc biệt của Romania cho biết những cuộc diễn tập của Nga ở không xa bờ biển nước này.
"Đây là mối lo ngại của chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là luyện tập ngày càng chăm chỉ hơn và chuẩn bị cho mọi thứ", Trung tướng Daniel Petrescu cho hay.
Kể từ tháng 4, Mỹ đã trừng phạt Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2020, đầu độc nhân vật đối lập Alexey Navalny và có liên quan đến vụ tấn công mạng SolarWinds. Hai bên cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin vào tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Ukraine và cảnh báo Nga có thể đảo ngược quyết định rút quân khỏi biên giới Ukraine.
Cựu chỉ huy NATO James Stavridis cho rằng, Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công vào đất liền Ukraine từ Biển Đen.
"Mục tiêu sẽ là vô hiệu hóa lực lượng hải quân Ukraine, giành quyền kiểm soát hoàn toàn phía bắc Biển Đen, cắt đứt các tuyến đường cung cấp hậu cần của lực lượng Ukraine và giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực đất liền nối Nga với Crimea", ông Stavridis đánh giá.
Tháng trước, Lầu Năm Góc đã đưa ra kế hoạch điều 2 tàu khu trục tới Biển Đen nhưng Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã điều tàu tuần duyên Hamilton tới đây để "hỗ trợ các đồng minh và đối tác NATO".
Nhà quan sát Alex Marquardt nhận định, nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ và phần còn lại của NATO không nhất thiết phải can thiệp bởi nước này không nằm trong liên minh. NATO không phản ứng quân sự trước việc Nga sáp nhập Crimea nhưng cũng không công nhận phần lãnh thổ này thuộc Nga.
Mục tiêu lớn của các cuộc tập trận của NATO hiện nay ngoài gửi thông điệp đến Nga và các quốc gia khác còn phục vụ một mục tiêu chiến lược: Đó là các đồng minh và các đối tác cần chiến đấu cùng nhau và hợp tác với nhau.
"Đây là dịp để chúng ta xây dựng hiểu biết về nhau. Điều đó cho thấy chúng ta sẵn sàng học hỏi từ nhau. Việc này rất quan trọng và có ý nghĩa cho dù bất kỳ điều gì xảy ra trên thế giới", một thành viên trong lực lượng lính mũ nồi xanh cho hay./.