Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Strasbourg (Pháp) công bố ngày 20-5 cho biết, các kháng thể chống lại protein đột biến của virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại đến 13 tháng, sau khi bị mắc COVID-19.
Nghiên cứu trên do nhà sinh học Floriane Gallais và GS Samira Fafi-Kremer dẫn đầu, đã theo dõi 1.309 người trong hơn một năm, trong đó, có 393 người bị mắc COVID-19. Nghiên cứu cho thấy các yếu tố mới trong sự tồn tại của các kháng thể và nguy cơ tái nhiễm.
Theo nghiên cứu, các kháng thể chống lại protein đột biến của virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại trong cơ thể người cho đến 13 tháng sau khi bị mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng sau khoảng thời gian này, nồng độ các kháng thể trong cơ thể ở nam giới giảm nhanh hơn so nữ giới, nhưng vẫn có khả năng vô hiệu hóa “virus hoang dã (dạng ban đầu của virus) ở biến thể chủng Anh, không phải biến thể chủng Nam Phi.
Theo nhiên cứu, trong số 393 người mắc Covid-19, một năm sau, 97% vẫn giữ được kháng thể kháng virus SARS-CoV-2”. Đồng thời, bằng cách so sánh số ca tái nhiễm đã xảy ra trong quá trình nghiên cứu ở nhóm này với số ca nhiễm mới ở nhóm đối chứng là 916 người, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một kết luận: Nguy cơ mắc COVID-19 giảm 96,7% ở những người trước đây bị nhiễm, nhờ sự tồn tại lâu dài của các kháng thể kháng SARS-CoV-2.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng, ngay cả với một liều duy nhất, cũng có khả năng tăng cường bảo vệ chống lại các biến thể COVID-19 bằng cách tăng đáng kể lượng kháng thể.
GS Samira Fafi-Kremer trong thông cáo báo chí cho biết: “Chúng tôi dự định sẽ kéo dài nghiên cứu để tiếp tục theo dõi vào thời điểm 18 tháng và 24 tháng, để đánh giá tốt hơn động lực của các kháng thể trong thời gian dài”.
Trước đó, các nhà nghiên cứu Italy phát hiện kháng thể có thể tồn tại ở những người từng mắc COVID-19 ít nhất tám tháng.