Với tầm nhìn sáng suốt và quan điểm cứng rắn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chèo lái “con thuyền” đất nước mạnh mẽ vượt qua những khó khăn do các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Không chỉ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội, nước Nga còn có vai trò vô cùng quan trọng trong các vấn đề nóng trên toàn cầu. Để bảo đảm vững chắc vị thế và tầm ảnh hưởng của Nga, ông chủ Điện Kremlin coi việc phát triển các siêu vũ khí là một trong những biện pháp ưu tiên.
Theo bài viết gần đây đăng trên tuần báo tin tức và chính trị Focus của Đức, ông Thomas Jäger, Giáo sư về chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại tại Đại học Cologne (Đức) nhận định, mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga là bảo đảm sự ổn định chính trị.
Ngoài ra, dưới thời Tổng thống V.Putin, các chính sách này được xây dựng nhằm đưa nước Nga trở thành một siêu cường trên thế giới, giúp loại bỏ sự ảnh hưởng từ bên ngoài và tăng cường sự hiện diện của Moscow ở các khu vực chiến lược quan trọng trên thế giới như Trung Đông, châu Phi và Bắc Cực. Ông Thomas Jäger nhấn mạnh, không nước nào có khả năng đe dọa Nga và xâm phạm biên giới của nước này. Bởi lẽ, Moscow có khả năng răn đe hạt nhân bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa tầm trung.
Tham vọng trở thành siêu cường của Nga dựa trên 3 trụ cột: Sự rộng lớn của lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên phong phú và quân đội. Ông Thomas Jäger khẳng định, nhà lãnh đạo V.Putin đã sử dụng hiệu quả những nguồn lực này để đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn dưới thời cố Tổng thống Boris Yeltsin và trở lại với vị thế của một cường quốc trên thế giới.
Trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền và duy trì vị thế của Nga trên trường quốc tế, ông V.Putin đã tập trung vào việc tăng cường trang bị cho quân đội nước này hàng loạt vũ khí hiện đại. Có thể thấy, những thành tựu nổi bật trong công tác chế tạo vũ khí cho phép nhà lãnh đạo Nga đạt được mục tiêu của mình.
Từ năm 2008, Nga đã nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí cho phép nước này thực hiện cuộc tấn công trả đũa trong trường hợp bị tấn công, ngay cả trong tình huống không gian do các quốc gia khác kiểm soát. Ông Thomas Jäger đặc biệt chú ý đến hai siêu vũ khí của Nga: Thiết bị lặn không người lái Poseidon và tên lửa siêu thanh Zircon. Những thông tin đầu tiên về Poseidon được Tổng thống V.Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang năm 2018.
Theo ông V.Putin, đó là thiết bị lặn không người lái đặc biệt có khả năng hoạt động ở độ sâu lớn. Thiết bị này có tốc độ lớn hơn nhiều so với các loại ngư lôi và tàu ngầm hiện đại nhất hiện nay cũng như có phạm vi hoạt động tương đương với các loại tên lửa liên lục địa. Được đặt theo tên của vị thần cai quản biển cả trong thần thoại Hy Lạp, Poseidon mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân để có thể đánh trúng nhiều mục tiêu. Poseidon có chiều dài 20m, đường kính 2m, nặng 40 tấn và có tầm hoạt động lên tới 10.000km.
Ngoài ra, loại vũ khí này còn có khả năng tự động điều hướng ở dưới biển mà không cần sự can thiệp của con người. Khi nhà lãnh đạo Nga mới công khai dự án này, nhiều chuyên gia của phương Tây đã coi đây là “vấn đề của tương lai”. Tuy nhiên, giờ đây, họ đã thừa nhận sức mạnh chiến đấu của Poseidon. Giới chuyên gia nhận thấy, với khả năng di chuyển quá nhanh và phát ra ít tiếng ồn, Poseidon khó bị phát hiện và vô hiệu hóa.
Trong khi đó, tên lửa siêu thanh Zircon không thể bị các hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn do có tốc độ cực lớn. Trong Thông điệp Liên bang năm 2019, Tổng thống V.Putin cho biết, Zircon có khả năng đạt tốc độ khoảng Mach 9 (gấp 9 lần vận tốc âm thanh) và có thể bắn trúng cả mục tiêu trên biển và mặt đất ở khoảng cách hơn 1.000km.
Với những đặc tính ưu việt, Poseidon và Zircon chính là biện pháp răn đe mới của Moscow. Hai siêu vũ khí này sẽ cho phép Nga bảo đảm vị thế và tầm ảnh hưởng trên thế giới cũng như ngăn chặn việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự. Sự hiện diện của các loại vũ khí hiện đại sẽ giúp Tổng thống V.Putin đưa nước Nga lên một giai đoạn mới trên chính trường thế giới, theo ông Thomas Jäger.