Sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 12-5, Tổng thống Biden cho biết hiện vaccine Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng cho những người trên 12 tuổi, khẳng định đây là một bước tiến lớn nữa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Vì vậy, ông khuyến khích các bậc phụ huynh cho con em tiêm phòng.
Tổng thống Biden cho biết chương trình tiêm vaccine cho lứa tuổi 12-15 sẽ được triển khai từ ngày 13-5 và có thể được thực hiện tại các phòng khám nhi khoa và bác sĩ gia đình. Bên cạnh đó, các sự kiện có sự tham gia của những người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ được tổ chức để khuyến khích thanh thiếu niên đi tiêm phòng trong những tuần tới.
Trước đó, ngày 10-5, FDA đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Quyết định rất được mong đợi này là một bước đi quan trọng để đảm bảo các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể mở cửa trở lại và học sinh có thể học trực tiếp trong năm học từ mùa Thu tới. Pfizer dự kiến sẽ yêu cầu cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 2-11 tuổi vào tháng 9 tới. Trước đó, loại vaccine này được cấp phép sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Tính tới nay, có 3 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ, trong đó có Moderna và Johnson & Johnson.
Một số bang ở Mỹ như Georgia, Delaware và Arkansas đã triển khai tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ ngày 11-5. Tại bang California, cha mẹ có thể bắt đầu đặt lịch tiêm cho con từ ngày 13-5.
Chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực thúc đẩy quá trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này sang một giai đoạn mới, trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng giảm dần trong những ngày gần đây do một bộ phận người dân còn do dự không muốn đi tiêm chủng. Tính đến hết ngày 11-5, nước Mỹ có khoảng 153,4 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 116,6 triệu người đã tiêm đủ liều vaccine của Johnson & Johnson (J&J), Moderna hoặc Pfizer/BioNTech.
Cùng ngày 12-5, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ báo cáo 28 ca đông máu trong tổng số 8,7 triệu người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của J&J. Theo phóng viên TTXVN tại New York, CDC cho biết tỷ lệ huyết khối cao nhất trong hội chứng giảm tiểu cầu, hay nói cách khác vừa đông máu vừa có số lượng tiểu cầu thấp, được ghi nhận xảy ra với phụ nữ từ 30 đến 49 tuổi. Chỉ có 6 trường hợp bị đông máu sau khi tiêm J&J là nam giới.
Trước đó, FDA và CDC đã quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine J&J do vaccine này bị cho là đã gây ra một số trường hợp đông máu với người sử dụng. Kết quả khảo sát mới đây do Quỹ Kaiser tiến hành cho thấy chưa tới 50% số người Mỹ được hỏi tin vào độ an toàn của vaccine J&J.