Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, tuần qua, Lục địa già đã chứng kiến sự thuyên giảm mạnh nhất về số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh nhiều nước ở châu Âu đang lên kế hoạch mở cửa trở lại biên giới và thúc đẩy hồi phục kinh tế.
Sau 2 tuần số ca mắc mới COVID-19 giảm liên tiếp, Tây Ban Nha mới đây đã thông báo nới lỏng các quy định nhập cảnh đối với du khách từ 10 quốc gia, bao gồm cả yêu cầu xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, Bắc Macedonia cũng đóng cửa gần như toàn bộ các trung tâm điều trị COVID-19 và bệnh viện dã chiến sau khi số ca mắc giảm tới 90%. Đức, Italia, Síp cũng dự kiến trong tuần này sẽ cho phép các nhà hàng ăn uống mở cửa phục vụ.
Trong bản kế hoạch mở cửa biên giới được thông qua mới đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hai điều kiện chính. Thứ nhất, EU chỉ mở cửa lại biên giới với những nước đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong một thời gian nhất định, với các chỉ số về tỷ lệ lây nhiễm trong dân ngang bằng hoặc thấp hơn của EU. Thứ hai, chỉ những người được cấp “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19” mới được đi lại tự do.
Đối với người dân châu Âu, “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19” dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, đang được kỳ vọng sẽ trở thành “chìa khóa” để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành Du lịch. Bởi các nước châu Âu đã thiệt hại hàng trăm tỷ euro từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến phải đóng cửa biên giới với bên ngoài gần 1 năm qua. Theo thống kê, ngành “công nghiệp không khói” đóng góp khoảng 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, trên 13% GDP Italia, gần 8% GDP của Pháp và thậm chí lên đến 20% GDP của Hy Lạp. Do đó, nếu mùa du lịch hè này thất bại, nền kinh tế của các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha có nguy cơ không thể phục hồi nổi. Sự xuất hiện của giấy chứng nhận y tế không chỉ giúp thúc đẩy du lịch trong nội bộ các nước EU mà còn cho phép du khách từ các quốc gia ngoài liên minh nhập cảnh, đặc biệt là du khách từ Mỹ và Anh, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cao hàng đầu thế giới hiện nay.
Bà Gloria Guevara thuộc Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã gọi “Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19” là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành Du lịch, giúp các nước EU kịp thời đón lượng khách lớn vào mùa du lịch hè. Hiện 46% dân số trưởng thành của EU đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, trong khi 300 triệu liều nữa sẽ sớm được bàn giao. Mục tiêu của EU là tiêm chủng đầy đủ cho 75% số người trưởng thành vào cuối tháng 7 tới. Nếu theo đúng kế hoạch, các nước EU có thể tự tin sẽ mở cửa trở lại một cách an toàn. Cùng với ngành Du lịch, nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất khác cũng sẽ hồi phục. Theo dự đoán của Ủy ban châu Âu (EC), nền kinh tế khối này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay.
Mặc dù “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19” được coi là “chìa khóa” để người dân châu Âu lấy lại nhịp sống trước đây, song theo các chuyên gia y tế, việc mở cửa biên giới và nới lỏng kiểm soát dịch bệnh vẫn cần được tiến hành một cách thận trọng. Các nước châu Âu sẽ phải theo dõi sát sao và có những đánh giá cụ thể theo từng giai đoạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, vắc xin được xem là “ánh sáng cuối đường hầm”, nhưng hiệu quả của nó còn chưa được đánh giá hết trong khi các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện. Do đó, các quốc gia trên thế giới cần lựa chọn những bước đi an toàn.