Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 17-6, các cửa hiệu, văn phòng cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và các ngân hàng tại Liban đã đóng cửa trong bối cảnh diễn ra cuộc đình công trên cả nước nhằm phản đối tình trạng kinh tế ngày càng xấu đi và hối thúc thành lập chính phủ để giải quyết khủng hoảng.
Tại thủ đô Beirut và các thành phố khác của Liban, người biểu tình đã đốt lốp xe và thùng rác chặn nhiều tuyến đường chính, trong đó có tuyến đường cao tốc dẫn đến sân bay Beirut. Các ngân hàng, văn phòng các cơ quan chính phủ và nhiều cửa hiệu tại trung tâm Beirut đã đóng cửa.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Liban, bùng phát từ năm 2019 đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần gần đây khi nước này đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp nhiên liệu và thuốc men, trong khi tình trạng mất điện xảy ra triền miên. Giá cả nhiều mặt hàng đã tăng vọt và giá trị tiền lương giảm mạnh khi đồng bảng Liban mất giá so với đồng USD.
Trên thị trường chợ đen, tỷ giá đồng USD so với đồng bảng Liban đã tăng gấp gần 10 lần so với tỷ giá chính thức. Dự trữ ngoại hối, được sử dụng để tài trợ cho các chương trình trợ cấp hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, thuốc men và lúa mì, đang cạn kiệt và tình trạng thiếu ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong những tuần gần đây.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đây là một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6 này, WB miêu tả cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính tại Liban là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới trong vòng 150 năm qua. WB ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Liban năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi giảm 6,7% trong năm 2019.
Theo WB, trên thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD hồi năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD trong năm 2020, trong khi GDP bình quân đầu người giảm khoảng 40% tính theo đồng USD. Do tình hình tài chính và tiền tệ còn biến động phức tạp, GDP thực của Liban được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm 2021.
Trong khi đó, Liban hiện vẫn bế tắc trong việc thành lập chính phủ do những bất đồng sâu sắc giữa các phe phái chính trị về việc phân bổ các vị trí trong nội các. Liban đã không có một chính phủ hoạt động đầy đủ kể từ tháng 8-2020. Thủ tướng được chỉ định Saad al-Hariri đã không giành được sự ủng hộ từ Tổng thống Michel Aoun đối với các lựa chọn của ông cho nội các mới.
Trong bối cảnh trên, Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Liban Joseph Aoun ngày 17-6 hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp cho quân đội nước này để ứng phó với khủng hoảng kinh tế trong nước.
Liên quan vấn đề trên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết 20 quốc gia đã thỏa thuận hỗ trợ khẩn cấp cho quân đội Liban. Bà Parly nhấn mạnh quân đội Liban đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của nước này.
Bà Parly chủ trì một hội nghị trực tuyến ngày 17-6 của nhóm hỗ trợ quốc tế đối với Liban, với sự tham gia của Mỹ, một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), các nước vùng Vịnh, Nga và Trung Quốc.