Ngày 1-6, Hạ viện Nga đã thông qua đạo luật nhằm hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đây là bước đầu tiên của Nga nhằm hướng tới quy định hạn chế phát thải carbon trong nước.
Đạo luật này vẫn cần được Thượng viện Nga thông qua và được Tổng thống Vladimir Putin ký. Các quy định trong luật này sẽ buộc các công ty sản xuất lượng lớn khí nhà kính phải báo cáo lượng khí thải của họ.
Ông Vladimir Burmatov, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội Nga về sinh thái và bảo vệ môi trường cho biết, dự luật này là bước đầu tiên hướng tới quy định hạn chế phát thải khí carbon trong nước.
Nga là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ tư thế giới. Nước này đã tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vào năm 2019. Theo đó, Nga đã chấp nhận cam kết đặt mục tiêu 5 năm một lần để hạn chế phát thải khí nhà kính. Các mục tiêu mới dự kiến được công bố vào năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại cho đến cuối năm nay vì đại dịch Covid-19.
Mục tiêu tự đặt ra của Nga, được Tổng thống Putin nhắc lại vào năm ngoái, là lượng khí thải của nước này vào năm 2030 thấp hơn 30% so với năm 1990.
Trước Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vào ngày 22-4, Tổng thống Putin nói với các quan chức hàng đầu và các nhà lập pháp trong bài phát biểu thường niên của ông rằng: "Trong 30 năm tới, lượng phát thải khí nhà kính tích lũy ròng ở Nga phải thấp hơn ở Liên minh châu Âu".
"Đây là một nhiệm vụ khó khăn với quy mô, địa lý, khí hậu và cơ cấu kinh tế của đất nước chúng ta. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng mục tiêu này, với tiềm lực khoa học và công nghệ của chúng ta, là có thể đạt được", ông nói.