Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 28-6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 181.975.799 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.941.190 triệu ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 166.471.190 người.
Dịch bệnh đang diễn biến trái chiều tại châu Âu. Trong 24 giờ qua, hai điểm nóng dịch COVID-19 ở Nga là thành phố Moskva và Saint Petersburg ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh nước này đang đương đầu với làn sóng dịch thứ ba. Cụ thể, thủ đô Moskva ghi nhận thêm 124 ca tử vong trong khi thành phố Saint Petersburg thêm 110 ca do COVID-19, vượt ngưỡng cao nhất mà cả hai thành phố này ghi nhận cuối tuần qua. Số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta làm gia tăng số ca nhiễm ở Nga.
Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 21.650 ca mắc mới và 611 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.472.941 và 133.893 ca tử vong. Dịch bệnh bùng phát mạnh ở Nga - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới - cũng khiến giới chức các nước lo ngại trong bối cảnh giải bóng đá EURO 2020 đang diễn ra, thu hút hàng nghìn người hâm mộ tới sân vận động theo dõi các trận đấu tại các quốc gia khác nhau trên khắp châu lục. Thành phố Saint Petersburg của Nga đã tổ chức 6 trận đấu và là địa điểm diễn ra một trong những trận tứ kết vào ngày 2-7 tới.
Trong khi đó, với 9 ca tử vong, Ukraine ghi nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/7/2020. Nước này cũng ghi nhận thêm 285 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 2,23 triệu ca, trong đó có 52.295 ca tử vong. Bộ Y tế Ukraine cho biết số ca mắc mới đang giảm mạnh. Đầu tháng này, Ukraine đã dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế trong nước trong khi gia hạn một số biện pháp khác cho đến ngày 31/8.
Cùng ngày, Italy đã chính thức bỏ quy định đeo khẩu trang trên khắp cả nước - đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với quốc gia châu Âu đầu tiên phải hứng chịu đại dịch COVID-19 hồi tháng 2-2020.
Trong một sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 28-6, Bộ Y tế Italy lần đầu tiên đã xếp tất cả 20 khu vực của Italy là "vùng trắng", có nghĩa là các vùng có nguy cơ thấp về COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc ở các khu vực ngoài trời.
Tại Anh, ngày 28-6, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định nước này có thể dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng, chống COVID-19 theo đúng kế hoạch vào ngày 19-7 tới. Chính phủ Anh hy vọng có thể mở cửa trở lại nền kinh tế vào tuần trước, song do số ca nhiễm mới ngày một tăng, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta, Anh đã phải lùi lại kế hoạch này cho đến ngày 19-7.
Tuy nhiên, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết, kể từ ngày 28-6, hành khách từ Anh đến nước này sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày, nếu trước đó họ chưa được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Quyết định trên sẽ được áp dụng cho đến ít nhất ngày 11-7 tới. Tương tự, Tây Ban Nha cũng sẽ yêu cầu du khách Anh phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc chứng nhận đã tiêm chủng ngừa COVID-19 đủ liều, nếu họ muốn du lịch tới Mallorca, Ibiza và các vùng lân cận quần đảo Balearic.
Tây Ban Nha từ ngày 20-5 vừa qua đã dỡ bỏ yêu cầu các du khách Anh xuất trình xét nghiệm PCR âm tính khi nhập cảnh nước này. Tuy nhiên, quốc gia thuộc Bán đảo Iberia này buộc phải điều chỉnh chính sách do tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi.
Trong khi đó, tờ The Times số ra ngày 28-6 đưa tin Đức đang cân nhắc lệnh cấm du khách Anh đến Liên minh châu Âu (EU) bất kể họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa. Theo báo này, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đưa Anh vào danh sách "quốc gia đáng quan ngại" vì biến thể Delta đang lây lan mạnh tại Anh. Dự kiến, đề xuất trên trên của Đức sẽ được giới chức cấp cao châu Âu và giới chức các nước thuộc ủy ban ứng phó khủng hoảng chính trị tổng hợp của EU thảo luận.
Tại Đông Nam Á, số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.
Báo Khmer Times ngày 28-6 dẫn thông cáo của Bộ Y tế Campuchia xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 16 người tử vong và 883 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 135 ca nhập cảnh - số ca nhập cảnh dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 48.532 ca mắc COVID-19, trong đó 42.764 người khỏi bệnh và 556 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Lào cũng đang diễn biến phức tạp. Sau nhiều ngày tình hình dịch giảm nhẹ, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến. Theo đó, Lào ghi nhận 26 ca mới, trong đó có tới 14 ca cộng đồng gồm: thủ đô Viêng Chăn 7 ca, tỉnh Viêng Chăn 4 ca, tỉnh Luang Namtha 2 ca và tỉnh Xayaboury 1 ca. Đây là lần đầu tiên Lào ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng ngoài thủ đô Viêng Chăn sau hơn 1 tháng.
Bộ Y tế Lào cho biết số ca mới tăng đột biến cho thấy vẫn còn nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng. Do đó, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch bệnh, nhanh chóng thông báo cho chính quyền nếu phát hiện thấy trường hợp nghi ngờ nhập cảnh bất hợp pháp để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tại Malaysia, sau 4 tuần phong tỏa toàn diện, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã giảm từ trên 8.000 ca/ngày xuống khoảng 5.000 ca/ngày, nhưng vẫn tồn tại nhiều chỉ số đáng ngại về tình hình dịch bệnh tại nước này.
Thực tế cho thấy kể từ ngày 23-6 tới nay, số ca mắc COVID-19 ghi nhận hằng ngày tại Malaysia liên tục trên 5.000 ca, tuy có giảm so với mức 8.209 ca khi Malaysia thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện vào ngày 3/6, nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tính đến ngày 26/6, Malaysia mới hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho 6,2% dân số và hiện nay, tỷ lệ sử dụng giường điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ở nhiều địa phương vẫn từ 90-100%.
Đáng chú ý, hiện tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19 vẫn cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong nhưng tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát là tỷ lệ này dưới 5%. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Y tế Malaysia cho thấy tỷ lệ này trong khoảng thời gian từ ngày 4-20/6 là 6,97% và trong tuần từ 21-27/6 là 7,6%. Ngoài ra, vào ngày 27/6, tỷ lệ lây nhiễm cơ bản ở Malaysia đã tăng lên 0,99 (1 người nhiễm cho 0,99 người) từ mức 0,97 của hôm trước.
Trong bối cảnh vaccine đang chứng tỏ là một trong những "vũ khí" hữu hiệu chống lại COVID-19, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi người dân nước này tin tưởng vào hiệu quả của vaccine, đi tiêm chủng nhằm góp phần vào nỗ lực chung phòng chống đại dịch trong nước. Thống kê cho thấy hiện Ấn Độ đã vượt Mỹ về tổng số liều vaccine COVID-19 tiêm cho người dân cho đến nay. Theo báo cáo chính thức, kể từ khi khởi động đợt chiến dịch tiêm chủng COVID-19 vào tháng 1/2021, đến nay Ấn Độ đã tiêm hơn 323,6 triệu liều, trong khi đó Mỹ bắt đầu đợt tiêm chủng đại trà từ giữa tháng 12/ 2020 và đã tiêm hơn 323 triệu liều. Cùng với tốc độ tiêm chủng gia tăng, Ấn Độ đã ghi nhận 1 tín hiệu đáng mừng trong ngày 28/6 khi lần đầu tiên số người tử vong theo ngày tại Ấn Độ giảm xuống dưới mốc 1.000 ca sau gần 2 tháng rưỡi qua. Số ca tử vong trong ngày 28-6 là 979 ca, trong khi số ca mắc mới là 46.148 ca.
Liên quan đến nỗ lực phục hồi sau đại dịch, chính quyền đảo Guam - vùng lãnh thổ thuộc Mỹ nằm trên Thái Bình Dương, đang lên kế hoạch giới thiệu với du khách mô hình "nghỉ dưỡng vaccine". Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm vực dậy ngành du lịch đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của vùng lãnh thổ thuộc Mỹ nằm trên Thái Bình Dương này. Được đặt tên là "Air V&V", chương trình nghỉ dưỡng kết hợp tiêm chủng ngừa COVID-19 của đảo Guam dành cho người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Mỹ sống tại châu Á-Thái Bình Dương.