Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một dịch bệnh do virus Corona gây ra đã bùng phát ở khu vực Đông Á cách đây hơn 20.000 năm.
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, bao gồm các nhà khoa học tại Đại học Arizona, Đại học California San Francisco (Mỹ) và Đại học Adelaide (Australia), đã tìm thấy bằng chứng của một đợt bùng phát dịch virus Corona trong cấu tạo gien của người dân ở khu vực Đông Á từ hàng nghìn năm trước đây. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology.
Giáo sư Kirill Alexandrov tại Đại học Công nghệ Queensland, là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Bộ gien của con người hiện đại chứa thông tin tiến hóa theo dấu vết hàng chục nghìn năm, giống như việc nghiên cứu các vòng thân cây cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về các điều kiện mà nó trải qua khi lớn lên”.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Dự án 1000 bộ gien, đây là danh mục công khai lớn nhất về biến thể di truyền chung của con người. Sau đó, họ xem xét những thay đổi trong gien người mã hóa các protein tương tác SARS-CoV-2.
Từ đó, nhóm các nhà khoa học đã tổng hợp cả protein của người và SARS-CoV-2, không sử dụng tế bào sống và nhận thấy rằng những protein này tương tác trực tiếp với nhau. Các nhà khoa học cũng chỉ ra bản chất được bảo tồn của cơ chế mà virus Corona sử dụng để xâm nhập tế bào.
“Các nhà khoa học trong nhóm đã phân tích sự tiến hóa trong bộ dữ liệu bộ gien người để tìm ra bằng chứng cho thấy tổ tiên của người Đông Á đã trải qua một dịch bệnh do virus Corona gây ra tương tự như đại dịch COVID-19”, ông Alexandrov nói.
Điều thú vị là kết quả cho thấy người dân ở Đông Á đã thích nghi với loại virus này, nhưng gien thích nghi này chỉ xuất hiện với số lượng hạn chế trong phạm vi khu vực. Khu vực Đông Á ngày nay bao gồm các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn Quốc và Đài Loan.
“Khi chúng tôi so sánh chúng với dân số trên khắp thế giới, chúng tôi không thể tìm thấy dấu hiệu”, nhà nghiên cứu Yassine Souilmi tại Đại học Adelaide (Australia) nói với tờ New York Times. Các nhà khoa học tin rằng, những gien này có từ đột biến tiến hóa trong khoảng 20.000 đến 25.000 năm trước.
Bằng cách phát triển những hiểu biết sâu sắc hơn về virus thời cổ đại, các nhà khoa học cũng tìm hiểu được cách bộ gien của các quần thể người khác nhau thích nghi với các loại virus gần đây.
“Về nguyên tắc, điều này cho phép chúng tôi biên soạn danh sách các loại virus nguy hiểm tiềm ẩn và sau đó phát triển các phương pháp chẩn đoán, vaccine và thuốc cho trường hợp chúng bùng phát trở lại", ông Alexandrov nói.
Trong 20 năm qua, đã có 3 đợt bùng phát dịch bệnh lớn do virus Corona gây ra. Đó là SARS-CoV dẫn đến Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 2002 và giết chết trên 800 người; MERS-CoV dẫn đến Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), khiến hơn 850 người tử vong, và SARS-CoV-2 dẫn đến đại dịch COVID-19, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 3,9 triệu dân trên thế giới.