Ngày 23-6, đài Sputnik đăng tải nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin với hãng tin NBC hồi tuần trước, trong đó nói rằng NATO vẫn tăng cường quân sự tại các khu vực gần biên giới Nga và tiếp tục từ chối đối thoại.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Putin đánh giá Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một tàn dư của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh và ông không thể hiểu vì sao tổ chức này tới nay vẫn còn tồn tại.
Tiếp đó, trong bài phát biểu trực tuyến ngày 23-6 tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva lần thứ 9 diễn ra, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ quan ngại trước việc NATO tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự gần các đường biên giới của Nga, cùng với thực tế liên minh này không xem xét trên tinh thần xây dựng các đề xuất giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra các vụ việc không thể lường trước.
Tổng thống Putin nêu rõ: “Chúng tôi đương nhiên không thể không lo ngại việc NATO đang tiếp tục tăng cường năng lực quân sự và cơ sở hạ tầng gần biên giới Nga”. Ông Putin nói thêm Moskva mong đợi nhận thức chung và mong muốn phát triển các mối quan hệ mang tính xây với NATO cuối cùng sẽ thắng thế.
Ông Putin khẳng định trong quá trình phát triển tiềm lực quốc phòng, Nga không tìm kiếm lợi thế quân sự đơn phương. Nỗ lực của Moskva là nhằm giảm thiểu rủi ro và giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, kể cả trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. “Chúng tôi đang phát triển tiềm lực quốc phòng của mình trên cơ sở nguyên tắc đủ hợp lý và không tìm cách tạo lợi thế quân sự đơn phương, cũng như ưu thế về cán cân lực lượng có lợi cho mình, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạy cảm như ổn định chiến lược”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh các nỗ lực của nước này là “nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo khả năng dự đoán và giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và các thỏa thuận cụ thể, kể cả trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí”.
Ông cũng đề cập đến các vấn đề quốc tế gây quan ngại như các xung đột vũ trang trong khu vực, nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoạt động của các nhóm tội phạm xuyên biên giới, buôn bán ma túy và tội phạm mạng, trong đó chủ nghĩa khủng bố quốc tế tiếp tục là mối đe dọa đặc biệt. Tổng thống Nga kết luận quy mô và tính chất toàn cầu của những vấn đề này đòi hỏi sự thống nhất nỗ lực của tất cả các quốc gia, được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Phát biểu tại hội nghị nói trên, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, cũng tuyên bố nước này sẽ bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tướng Gerasimov nhấn mạnh rằng chính sách hạt nhân của Nga hoàn toàn mang tính chất phòng thủ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ, ngày 14/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, Liên bang Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ để đối phó với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm chống lại nước này hoặc các đồng minh của Moskva. Ngoài ra, vũ khí hạt nhân của Nga cũng được sử dụng để đối phó với các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường trong trường hợp đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Moskva vô cùng ngạc nhiên trước việc NATO không hề phản ứng gì với đề xuất xây dựng ổn định chiến lược của Tổng thống Putin. Ông Lavrov nói: “Tình hình ổn định chiến lược cũng vô cùng đáng quan ngại. Việc Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) gây phương hại nghiêm trọng cho toàn bộ cơ chế kiểm soát tên lửa hạt nhân. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi các nước thành viên NATO không có một phản ứng rõ ràng trước đề xuất của Tổng thống Putin nhằm không để loại tên lửa này, dù hạt nhân hay phi hạt nhân, xuất hiện tại châu Âu”.
Tháng 10-2020, Tổng thống Putin đã công bố sáng kiến mới nhằm giải quyết tình hình căng thẳng ngày càng leo thang tại châu Âu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Cụ thể, ông nêu rõ Moskva sẵn sàng không triển khai các tên lửa 9M729 tại các vùng lãnh thổ của Nga thuộc châu Âu, đồng thời muốn những bước đi tương tự từ phía NATO. Liên minh quân sự này mới đây tuyên bố, dù không tán thành đề xuất nói trên, song NATO vẫn để ngỏ việc “xúc tiến các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí có ý nghĩa và đối thoại về những biện pháp xây dựng lòng tin”.
Trên thực địa, ngay sau tuyên bố trên của lãnh đạo và các quan chức cấp cao Nga, một vụ việc leo thang căng thẳng giữa Moskva và phương Tây đã nổ ra. Ngày 23-6, chiến hạm Nga đã bắn nhiều loạt đạn cảnh cáo sau khi HMS Defender, một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh, vi phạm đường biên giới trên biển của Liên bang Nga ở Biển Đen.
Nga đã lập tức triệu Tùy viên quân sự Anh tại Đại sứ quán Anh ở Moskva tới sau vụ tàu chiến Hải quân Anh vi phạm biên giới Nga. Lực lượng vũ trang Nga đã cảnh báo tàu chiến Anh sẽ phải đối mặt với vũ lực nếu vi phạm biên giới Nga, song chiến hạm Anh được cho là đã phớt lờ cảnh báo. Theo Bộ Quốc phòng Nga, một máy bay chiến đấu Su-24M cũng đã xuất kích và ném bom cảnh cáo.
Về phần mình, ngày 23-6, Bộ Quốc phòng Anh đã bác bỏ thông tin mà Moskva đưa ra rằng lực lượng vũ trang Nga đã bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh ở khu vực Biển Đen. Theo bộ này, tàu khu trục trên đơn thuần chỉ thực hiện chuyến hải trình như thường lệ từ Odessa (Ukraine) đến Gruzia thông qua Biển Đen và đó là tuyến đường được luật pháp quốc tế cho phép.