Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 25-6 đã tiến hành phiên họp định kỳ về tiến trình chính trị tại Syria. Tại cuộc họp, Việt Nam kêu gọi duy trì hỗ trợ nhân đạo cho người dân Syria trong bối cảnh tiến trình chính trị tại quốc gia này vẫn đang bế tắc.
Báo cáo trước HĐBA, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh cần có sự thống nhất trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho khủng hoảng tại Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA; kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập các cơ chế đối thoại mới nhằm từng bước hỗ trợ giải quyết tình hình.
Hiện nay, Đặc phái viên đang tiếp tục làm cầu nối thúc đẩy đàm phán trong khuôn khổ Uỷ ban Hiến pháp giữa các Chính phủ và phe đối lập. Phó Đặc phái viên đang trực tiếp có mặt tại Damascus để trao đổi với hai bên nhằm thống nhất thủ tục làm việc, hướng tới việc đi vào trao đổi thực chất về nội dung dự thảo Hiến pháp sau khi không có tiến triển gì kể từ khi thành lập Uỷ ban Hiến pháp vào tháng 11-2019. Đặc phái viên cho biết đang duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ tiến trình đàm phán này.
Dù các thoả thuận ngừng bắn cơ bản được duy trì trên thực địa trong hơn một năm nay, Đặc phái viên chỉ ra nhiều dấu hiệu của khả năng leo thang xung đột trong tháng vừa qua, đặc biệt là vụ tấn công ngày 12-6 vào bệnh viện Al-Shifa’a tại Afrin, phía Bắc Syria, gây nhiều thương vong cho dân thường và nhân viên y tế. Khu vực Tây Bắc gần đây cũng chứng kiến căng thẳng leo thang khiến hàng ngàn dân thường bị buộc rời khỏi nơi cư trú. Hoạt động của khủng bố ở nhiều khu vực không có dấu hiệu suy giảm.
Ngoài ra, trong bối cảnh HĐBA chuẩn bị xem xét gia hạn cơ chế viện trợ xuyên biên giới tới Syria, Đặc phái viên nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ về việc cần tiếp tục duy trì cơ chế này thêm 12 tháng để bảo hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại khu vực Tây Bắc.
Chia sẻ quan tâm của thành viên HĐBA, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh việc cần xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị, đề cao vai trò hỗ trợ quan trọng của cộng đồng quốc tế thông qua việc tăng cường đối thoại, giải quyết các khác biệt hiện có. Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên kiềm chế và duy trì môi trường an ninh thuận lợi cho việc thúc đẩy giải pháp chính trị; nhấn mạnh cần phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố để bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế.