Đảng lớn nhất trong liên minh đảng cầm quyền tại Malaysia đã rút khỏi chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin, đồng thời lên tiếng yêu cầu ông từ chức. Điều này được coi là bước khởi đầu của biến động chính trị tại Malaysia.
Đảng UMNO đã có động thái rút khỏi chính phủ liên minh của Thủ tướng Muhyiddin Yassin vào sáng 8-7. Hãng Bloomberg (Mỹ) đánh giá đây là diễn biến mới nhất liên quan đến biến động chính trị Malaysia xảy ra từ 15 tháng trước, khi ông Mahathir Mohamad bất ngờ từ chức Thủ tướng.
Sau cuộc họp tối 7-7, Chủ tịch đảng UMNO Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố rút lui và kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức. Ông Ahmad Zahid Hamidi lập luận: “Rõ ràng là chính phủ đã thất bại trong việc quản lý kinh tế đất nước, xử lý dịch COVID-19 cũng như tạo động lực cho người dân”.
Từ tháng 1, lấy lý do dịch COVID-19, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó tạm ngưng hoạt động của quốc hội. Kể từ đó đến nay, các ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng, khiến các đảng đối lập yêu cầu Thủ tướng Muhyiddin triệu tập lại quốc hội trước thời điểm tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực vào 1-8.
Nhà lãnh đạo này cuối cùng vào ngày 26-7 đã đồng ý và tổ chức họp quốc hội trong 5 ngày để bàn luận về kế hoạch liên quan đến COVID-19.
Riêng ngày 7-7, Malaysia đã ghi nhận trên 7.000 ca mắc mới COVID-19. Sáng 8/7, đồng ringgit đã giảm 0,2% còn 4.1710 ringgit đổi lấy 1 USD. Chỉ số thị trường chứng khoán giảm 0,8% và ghi nhận ngày thứ 5 giảm liên tiếp. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm cũng hạ xuống còn 3,15%.
Tuy nhiên, việc đảng UMNO rút khỏi liên minh cầm quyền không đồng nghĩa với việc Thủ tướng Muhyiddin sẽ từ chức. Tình hình dịch COVID-19 khiến việc tổ chức bầu cử quốc gia sẽ gặp khó khăn và hiện chưa rõ liệu đảng đối lập có thể tạo bổ phiếu bất tín nhiệm trong cuộc họp đặc biệt kéo dài 5 ngày.
Giáo sư Wong Chin Huat tại Đại học Sunway (Malaysia) phân tích: “Malaysia không thể cùng một lúc thiếu chính phủ và tổ chức bầu cử do vậy giải pháp hợp lý nhất là ông Muhyiddin vẫn sẽ nắm quyền lực với tư cách chính phủ thiểu số”
Trong khi đó, giáo sư Yvonne Tew tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown (Malaysia) cho rằng bất cứ liên minh nào được hình thành sau cuộc bầu cử toàn quốc đều phải đối mặt với tình trạng không ổn định. Ông Tew nói: “Trong vài năm qua tình trạng chính trị tại Malaysia liên tục thay đổi. Bất cứ chính phủ liên minh nào lên nắm quyền đều nằm ở vị trí mỏng manh”.