Lũ lụt ở Trung Quốc và châu Âu lại giáng một cú đánh mạnh nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Hiếm có một tuần nào trôi qua mà không có thông tin xấu”, Tim Huxley, Giám đốc điều hành công ty vận tải biển Mandarin Shipping chia sẻ.
Đứt gãy trong ngành vận tải biển bùng phát mạnh trong năm nay. Việc nhiều quốc gia bước ra khỏi đại dịch, dần nới lỏng chính sách đóng cửa, giãn cách, thúc đẩy chi tiêu dùng cá nhân đã dẫn đến khủng hoảng vỏ container rỗng, làm cho việc giao hàng bị chậm, đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Đến tháng 4, vụ siêu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez đã gây ra tình trạng kẹt cứng trên tuyến giao thương huyết mạch này trong gần một tuần.
Trong tháng 6, số ca bùng phát mới tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành miền nam Trung Quốc gây ra tình trạng ách tắc tại nhiều cảng biến, một lần nữa đẩy giá cước vận tải tăng vọt. Và giờ là câu chuyện đứt gãy kết nối đường sắt cũng như nguồn cung nhiều mặt hàng nông sản do lũ lụt gây ra lần lượt ở châu Âu và Trung Quốc.
Mưa lớn kèm lũ lụt đã tàn phá khu vực Tây Âu. Những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở Đức và Bỉ. Nhiều vùng của Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan cũng chịu ảnh hưởng. “Điều này đang thực sự tạo ra đứt gãy trong chuỗi cung, bởi các tuyến đường sắt đã bị hư hại nặng nề”, ông Huxley nói. Trên thực tế, tuyến vận tải đường sắt chạy từ Cộng hòa Séc, Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg ở Đức đã bị hủy hoại nghiêm trọng, làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa.
Tác động đứt gãy này mang tính lan tỏa. Đơn cử như với trường hợp của Thyssenkrupp. Hãng chế tạo thép lớn nhất của Đức này đã không thể tiếp nhận được nguồn nguyên liệu thô đầu vào do lũ lụt. Thyssenkrupp phải ra thông báo về tình trạng “bất khả kháng” trong ngày 16-7 do thảm họa thiên nhiên, để tránh việc các đối tác đòi bồi thường vì vi phạm hợp đồng giao hàng. Ảnh hưởng dây truyền sẽ là các ngành khác như chế tạo motor, ô tô, đồ gia dụng.
Còn tại Trung Quốc, lụt lội “nghìn năm có một lần” tại tỉnh Hà Nam đã gây ra đứt gãy nguồn cung than đá và lúa mì. Gián đoạn vận tải đường sắt tại tỉnh miền trung này cũng rất rõ nét. Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam, là điểm giao kết các tuyến đường sắt cao tốc trục bắc-nam, đông-tây, đi tới nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc.
Việc vận chuyển than đá – nguồn nguyên liệu cho nhiệt điện, từ vùng khai mỏ ở Nội Mông, Thiểm Tây qua Trịnh Châu rồi đến khu vực miền trung, miền đông Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng. Các nhà máy nhiệt điện phải vật lộn tìm kiếm nguồn than đá, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng vọt.
Hà Nam cũng là vựa lúa của Trung Quốc, cung ứng mức sản lượng 38 triệu tấn trong mùa hè năm nay. Với 200.000 hecta đất canh tác bị lũ lụt tàn phá, sản xuất nông nghiệp tại Hà Nam sẽ gặp thách thức không nhỏ trong thời gian tới.