Tổng thống Tunisia Kais Saied ngày 25-7 đã giải tán Chính phủ của Thủ tướng Hichem Mechichi và đình chỉ hoạt động của Quốc hội, khiến nhiều người dân quốc gia Bắc Phi đổ ra đường ủng hộ động thái được cho đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng chính trị trong khi những người phản đối đã gọi đây là một cuộc đảo chính.
Quyết định được Tổng thống Saied đưa ra sau một cuộc họp khẩn cấp tại Phủ Tổng thống. Trong tuyên bố được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Saied cho biết sẽ đảm đương quyền điều hành đất nước với sự hỗ trợ của một thủ tướng mới do ông chỉ định. Tổng thống cũng khẳng định quyết định của ông là dựa trên Điều 80 của Hiến pháp, đồng thời trích dẫn một điều khoản tạm ngừng quyền miễn trừ đối với các nghị sĩ.
Đông đảo người dân Tunisia đã đổ ra các đường phố ở thủ đô Tunis để biểu thị sự ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống Saied.
Trước đó một ngày, hàng nghìn người dân Tunisia đã tuần hành tại nhiều thành phố trên khắp quốc gia Bắc Phi để phản đối đảng Ennahdha cầm quyền và Thủ tướng Mechichi, chỉ trích những điều mà họ cho là sự thất bại của chính phủ trong việc ứng phó đại dịch COVID-19. Nhiều người biểu tình sau đó đã bị bắt do đụng độ bạo lực với cảnh sát.
Trong khi đó, ông Rached Ghannouchi - lãnh đạo đảng Ennahda cầm quyền, người đồng thời cũng là Chủ tịch Quốc hội Tunisia, đã ngay lập tức gọi quyết định của Tổng thống Saied là "một cuộc đảo chính phản cách mạng và hiến pháp", qua đó dấy lên khả năng xảy ra xung đột với những người ủng hộ quyết định của tổng thống.
Bất đồng chính trị nhiều năm qua tại Tunisia đã khiến nước này không thể thành lập được các chính phủ lâu dài và hiệu quả.
Diễn biến mới nhất tại quốc gia Bắc Phi cũng là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này áp dụng Hiến pháp 2014 phân chia quyền lực giữa tổng thống, thủ tướng và quốc hội.
Bất đồng hiện tại giữa Tổng thống Saied và chính phủ Thủ tướng Mechichi được cho liên quan đến quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - được nhìn nhận là cần thiết để Tunisia tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính khi mà quốc gia châu Phi đang phải tìm cách hạn chế thâm hụt ngân sách trong khi các khoản vay sắp đáo hạn. Những cải cách kinh tế mới nhằm đảm bảo khoản vay này có thể ảnh hưởng đến đa phần người dân Tunisia, khi chấm dứt trợ giá hoặc cắt giảm việc làm ở khu vực công.
Theo quy định, tranh cãi liên quan đến Hiến pháp Tunisia sẽ được một tòa án hiến pháp giải quyết. Tuy nhiên, 7 năm sau khi Hiến pháp được phê chuẩn, tòa án này đến nay vẫn chưa thể được thành lập do tranh cãi liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán.