Biến thể Delta đã gây ra làn sóng COVID-19 mới tại một loạt quốc gia đồng thời là rủi ro lớn đối với quá trình hồi phục ở nhiều nơi. Dấu hiệu tổn thương về kinh tế do biến thể Delta khá rõ rệt ở các nước.
Công ty chuyên về dữ liệu IHS Markit (Anh) này 23-8 đã công bố đánh giá về tác động của biến thể Delta với kinh tế các nước. Theo đó, tại Australia, hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực tư nhân đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ thuận với số ca mắc mới COVID-19 từ tháng 7.
IHS Markit nhận định: “Sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19, tác động bởi biến thể Delta, và những đợt giãn cách xã hội ở các bang khác nhau của Australia trong tháng 8 tiếp tục làm giảm nhu cầu và sản lượng”.
Theo kênh CNN (Mỹ), Nhật Bản cũng chịu tình trạng kinh doanh đi xuống với các công ty giảm lạc quan sau đợt tăng mạnh các ca mắc mới COVID-19 gần đây.
Các chuỗi cung ứng cũng đối mặt với nhiều thách thức làm dấy lên lo ngại trước giai đoạn mua sắm vào dịp lễ quan trọng sắp tới. COVID-19 là nhân tố tác động khi cảng Ningbo-Zhoushan tại Trung Quốc phải đóng cửa từ 11-8 sau khi ghi nhận một công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Gián đoạn tại cảng container lớn thứ ba trên thế giới này khiến nhiều tàu vận tải quốc tế phải điều chỉnh lịch trình và thông báo với khách hàng về khả năng hàng hóa giao chậm.
CEO của công ty vận tải C.H. Robinson (Mỹ)-ông Bob Biesterfeld chia sẻ với CNN: “Áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu không hề thuyên giảm”.
Kể cả tại Anh, khi sản lượng của lĩnh vực tư nhân vẫn tăng trưởng thì sự phục hồi dường như đang mất dần đà.
Ông Chris Williamson tại IHS Markit đánh giá: “Mặc dù các biện pháp ngăn chặn COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát nhưng số trường hợp mắc mới tăng đang ngăn cản các hình thức chi tiêu”. Các doanh nghiệp cũng trăn trở về tình trạng thiếu nhân lực do tác động của COVID-19.
Theo CNN, kinh tế Mỹ đang vận hành ở mức 92% so với trước đại dịch và tăng trưởng kinh tế quý 3 của nước này dự kiến không quá nhộn nhịp bởi ảnh hưởng của biến thể Delta đến tiêu dùng.