Mỹ cam kết mạnh mẽ với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và dành cho Kiev khoản viện trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD.
Trên đây là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodmyr Zelenskiy, diễn ra ngày 1-9 tại thủ đô Washington DC. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống vào tháng 1 vừa qua.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga mà Kiev lo ngại có thể trở thành một vũ khí địa chính trị của Moskva. Tổng thống Zelenskiy bày tỏ lo ngại về dự án đường ống trên và muốn nghe quan điểm của Tổng thống Mỹ về cơ hội Ukraine gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng lộ trình cho bước đi này.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Tổng thống Zelenskiy cho biết hai ông không có nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề NATO, nhưng ông hiểu cá nhân tổng thống (Biden) ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.
Các nước thành viên NATO tin rằng Ukraine cần thực hiện nhiều cải cách chính trị hơn trước khi được trao quy chế thành viên. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh rằng Ukraine cần hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng và cải cách hệ thống pháp quyền phù hợp với các tiêu chuẩn thành viên của NATO. Nhà Trắng cho biết gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD cho Ukraine sẽ bao gồm các hệ thống chống tăng Javelin và các hệ thống phòng thủ khác.
Cuộc hội đàm giữa hai tổng thống Mỹ và Ukraine diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Biden thông báo một thỏa thuận với Đức có thể giảm bớt những lo ngại của Ukraine về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Bộ trưởng Năng lượng các nước Ukraine, Mỹ và Đức đã thảo luận về việc đảm bảo tương lai của Kiev với tư cách là nước trung chuyển khí đốt sau khi việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nga đến châu Âu nói trên hoàn thành.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết ông cùng các người đồng cấp Mỹ và Đức đã xem xét một số biện pháp khả thi về đảm bảo duy trì vai trò trung chuyển của Kiev. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier nhấn mạnh Berlin mong muốn hỗ trợ Ukraine chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Trong những năm qua, dự án Dòng chảy phương Bắc 2, trị giá khoảng 11 tỷ USD, đã đối mặt với nhiều cản trở từ một số nước châu Âu và Mỹ. Cả Mỹ và Ukraine đều phản đối dự án này. Washington lo ngại dự án này khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine.
Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia dự án này nhưng vẫn không ngăn cản được dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức.