“Nóng” giá khí đốt trong mùa đông ở châu Âu

14:39, 10/10/2021

Giá khí đốt đã tăng kỷ lục trên thị trường thế giới nói chung, Liên minh châu Âu (EU) nói riêng những ngày gần đây. Cuộc khủng hoảng năng lượng do điều kiện thời tiết bất thường và nhu cầu tăng đột biến đang làm dấy lên nhiều nỗi lo trước thềm mùa đông khi các nước cần thêm nhiên liệu để sưởi ấm.

Giá khí đốt ở châu Âu cuối tuần qua đã chạm mức kỷ lục. Giá khí đốt giao tháng 11-2021 tại châu Âu tăng 23% lên 117 euro/MWh, so với chỉ 15 euro cách đây 6 tháng. Với đợt tăng giá mới nhất này, khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương hơn 200USD/thùng dầu, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao hơn gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cơ quan tình báo hàng hóa độc lập (ICIS, trụ sở London, Anh). Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Đông Á, nơi khí đốt tự nhiên tăng 85% kể từ đầu tháng 9 lên mức tương đương 204 USD/thùng nếu tính theo giá dầu. Ở Mỹ, giá khí đốt tự nhiên dù thấp hơn nhiều so với Đông Á và châu Âu nhưng cũng đã chạm mức cao chưa từng thấy trong 13 năm trở lại đây.

Theo ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), hiện tượng tăng giá này là do có liên quan đến tình hình cung-cầu và nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới. Sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới đột ngột khởi động mạnh mẽ trở lại, thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tình trạng tăng mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn trong năm nay so với năm 2020. Trong khi đó, một số nguồn cung ứng lại gặp khó khăn. Tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sản lượng bị giảm và chưa thể hồi phục sau trận bão Ida tràn qua vịnh Mexico.

EU là khu vực bị tác động nhiều nhất bởi giá khí đốt tăng cao. “Lục địa già” đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng manh nha từ mùa đông năm ngoái khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm nghiêm trọng lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại là 30% vào tháng 3. Đến mùa xuân, nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại châu Âu tăng trở lại, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Nhu cầu tiếp tục gia tăng trong mùa hè vừa qua, khi thời tiết nóng bức khiến người dân sử dụng điều hòa và các hệ thống làm mát nhiều hơn.

Tuy nhiên, nhu cầu tăng không đi kèm với sự gia tăng dòng khí đốt của Nga, Na Uy và Algeria cung cấp cho châu Âu. Một lý do nội tại nữa là EU thu hẹp sản xuất điện từ than nâu, do đó các nhà máy điện buộc phải tăng dùng khí đốt trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Thuế khí hậu áp lên các nguồn năng lượng hóa thạch cũng làm tăng giá khí và điện bán ra ở châu Âu.

Giá điện tại EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3%-mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng. Tình trạng thiếu khí đốt khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8-2021.

Trước thực trạng trên, trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, tập đoàn Gazprom của nước này đang tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng dài hạn. Gazprom tiếp tục hoàn thành tất cả nghĩa vụ của mình và thậm chí còn hơn thế. Quan chức ngoại giao Nga cũng cho rằng, Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những căng thẳng hiện nay giữa Nga và châu Âu về nguồn cung năng lượng.

 Theo ông, EC đã kéo dài các yêu cầu pháp lý đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 1, khiến tuyến đường ống dẫn khí đốt này chỉ hoạt động ở mức 50% công suất tối đa. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.