Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trục xuất 10 đại sứ thuộc các nước phương Tây

17:42, 25/10/2021

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, ông đã chỉ thị Bộ Ngoại giao nước này tiến hành các thủ tục trục xuất 10 đại sứ thuộc các nước phương Tây, bao gồm cả Đại sứ Mỹ, liên quan đến tuyên bố chung kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền Osman Kavala.

Trong bài phát biểu tại tỉnh Eskisehir vừa qua, Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Tôi đã đưa ra những chỉ thị cần thiết cho Bộ trưởng Ngoại giao, yêu cầu xử lý vấn đề về 10 đại sứ bị xem là những người không được hoan nghênh càng sớm càng tốt. Họ sẽ phải giải quyết ngay lập tức. Các đại sứ phải biết và hiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày mà họ không còn hiểu Thổ Nhĩ Kỳ cũng là lúc họ phải rời khỏi đây".

Trước đó, trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 18-10, đại sứ quán các nước: Mỹ, Canada, Pháp, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ có giải pháp công bằng và nhanh chóng đối với trường hợp của nhà hoạt động Kavala, đồng thời lập tức trả tự do cho ông sau 4 năm bắt giữ.

Tuyên bố chung ngay lập tức khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia phương Tây trở nên căng thẳng. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi các đại sứ của 10 nước có liên quan, đồng thời chỉ trích tuyên bố chung này là “vô trách nhiệm”. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan lại có phản ứng gay gắt hơn khi thẳng thừng đe dọa trục xuất họ khỏi đất nước vì vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.

Có thể thấy, 7 trong số 10 đại sứ nói trên đại diện cho các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ trục xuất, nếu diễn ra, sẽ gây rạn nứt sâu sắc nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trong 19 năm cầm quyền của ông Erdogan.

Đại sứ quán Mỹ và Pháp lẫn Nhà Trắng chưa bình luận về vụ việc. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ đã biết về thông tin nói trên và đang chờ xác thực từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Reuters, Na Uy cho hay, đại sứ quán của họ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Na Uy Trude Maaseide cho rằng: "Đại sứ của chúng tôi đã không làm bất cứ điều gì đáng bị trục xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ và pháp quyền mà nước này đã cam kết theo Công ước châu Âu về Nhân quyền".

Bộ Ngoại giao New Zealand cho biết họ sẽ không bình luận gì cho đến khi nhận được thông tin thông qua các kênh chính thức, đồng thời khẳng định trong một tuyên bố rằng, New Zealand coi trọng mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Một nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết, 10 quốc gia đang tham vấn với nhau.

Nhà hoạt động Osman Kavala, 64 tuổi, sinh ra ở Paris. Ông bị giam giữ từ cuối năm 2017 với cáo buộc hậu thuẫn tài chính cho các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2013 và tham gia cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Kavala đã phủ nhận tất cả các cáo buộc chống lại ông.

Hồi tháng 9 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã đưa ra cảnh báo sẽ xúc tiến thủ tục pháp lý đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nhà hoạt động Kavala không được trả tự do trước phiên họp tiếp theo từ ngày 30-11 đến 2-12 của cơ quan này. Nhưng cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn từ chối thừa nhận phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) đưa ra ngày 10/12/2019, trong đó tuyên bố Công ước châu Âu về Nhân quyền đã bị vi phạm và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải trả tự do ngay lập tức cho ông Kavala.