WHO: Cần hơn 23 tỷ USD để hỗ trợ, triển khai các công cụ chống dịch COVID-19

07:43, 29/10/2021

Ngày 28-10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cần huy động hơn 23 tỷ USD trong 12 tháng tới mới có thể thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch COVID-19 (ACT-Accelerator).

ACT-Accelerator của WHO nhằm mục đích phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ (như vaccine) để chống dịch COVID-19, qua đó góp phần chống lại tình trạng bất bình đẳng trong quá trình triển khai các vấn đề trên trên toàn cầu. Theo WHO, việc thực hiện kế hoạch này có thể giúp ngăn chặn ít nhất 5 triệu ca tử vong.

Trong tuyên bố của mình, WHO nhấn mạnh mối quan hệ đối tác ACT-Accelerator của các cơ quan y tế toàn cầu hàng đầu cần 23,4 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia có nguy cơ cao nhất đảm bảo và triển khai các công cụ chống dịch COVID-19 từ nay đến tháng 9-2022. Con số này không thấm vào đâu so với thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD mà đại dịch gây ra và chi phí cho các kế hoạch kích thích để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của các nước. WHO cũng cho biết sẽ điều chỉnh ACT- Accelerator theo hướng tập trung hơn vào việc giải quyết những thiếu hụt về nguồn cung ở các nước nghèo hơn.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh để chấm dứt đại dịch, các chính phủ, các nhà sản xuất và nhà tài trợ phải hỗ trợ tài chính đầy đủ cho ACT-Accelerator để khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận với vaccine, phương pháp xét nghiệm và điều trị COVID-19. Ông nêu rõ: “Việc tài trợ đầy đủ cho ACT-Accelerator là một yêu cầu bắt buộc về an ninh y tế toàn cầu đối với tất cả chúng ta - bây giờ là lúc phải hành động”.

Chủ đề công bằng vaccine đã trở thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới 2021 diễn ra trong 3 ngày 24-26/10. Tại hội nghị, Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết khoảng cách giữa những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và những người chưa được tiêm đang ngày càng gia tăng.

Trong khi một số quốc gia đã bảo vệ được cho phần lớn dân số, thì ở những quốc gia khác, mới có chưa đến 3% dân số được tiêm một mũi. Chỉ riêng tại châu Phi mới chỉ có 8% dân số được tiêm mũi vaccine đầu tiên.