Anh ngày 18-11 đã tiếp cận Mỹ, nhờ tìm kiếm, trục vớt xác chiến đấu cơ tàng hình F-35 lao xuống biển ở đông Địa Trung Hải hôm 17-11.
Theo thông tin từ Larisa Brown, biên tập viên Quốc phòng tờ nhật báo The Times (Anh), Bộ Quốc phòng Anh đã nhờ Mỹ mở chiến dịch tìm kiếm, trục vớt chiếc F-35 đang nằm sâu dưới đáy biển, do Mỹ có thiết bị cứu hộ đặt ở Tây Ban Nha – địa điểm gần nhất so với vùng biển được cho là nơi máy bay lao xuống.
The Times dẫn nguồn tin ẩn danh trong Hải quân Hoàng gia Anh cho biết địa điểm chính xác nơi máy bay gặp nạn hiện vẫn chưa được xác định. Nhưng nhiều khả năng chiếc F-35 rơi xuống biển không lâu sau khi cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Do đặc tính riêng biệt của tiêm kích tàng hình F-35B, nhiều khả năng máy bay nằm ở vùng đáy biển cách khá xa so với điểm rơi sau khi tiếp nước.
Chiếc F-35B của Hải quân Anh cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ở phía đông Địa Trung Hải, ngày 17-11, nhưng gặp sự cố, buộc phi công phải phóng ghế thoát hiểm. Phi công sau đó được cứu hộ an toàn và đưa về chiến hạm. Hy vọng hiện nay được tập trung vào thiết bị TPL-25 của Mỹ. Hệ thống này có khả năng phát hiện tín hiệu khẩn cấp của tiêm kích F-35, từ đó dò tìm vị trí máy bay dưới đáy biển. Thiết bị đang được vận chuyển tới khu vực tìm kiếm.
Theo thông tin của Hải quân Mỹ, TPL-25 nặng khoảng 27 kilogam, có thể định vị xác máy bay quân sự và thương mại dưới đáy biển, ở độ sâu tối đa lên tới hơn 6.000 m. Thiết bị được gắn sau một tàu kéo, chạy ở tốc độ tối đa là 7,4 km/giờ, tùy thuộc vào độ sâu khu vực tìm kiếm. TPL có khả năng đón sóng âm từ thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp của máy bay, truyền qua một đường cáp và tới tai người điều khiển.
Nguồn tin cũng cho biết một khi Mỹ, Anh phát hiện vị chính xác vị trí rơi, máy bay sau đó sẽ được đưa lên mặt nước, nhờ một thiết bị vận chuyển ngầm dưới biển được điều khiển từ xa, cùng với đó là hệ thống túi phao nổi gắn xung quanh giúp tạo ra lực đẩy nổi khi bung. Kịch bản tiếp theo sẽ là đưa máy bay lên khoang một tàu cứu hộ, sau đó đưa về bờ, có thể là một điểm ở Síp, nơi Anh có một căn cứ không quân.
Cùng lúc, quân đội Anh hiện giám sát chặt chẽ khu vực rộng quanh vùng biển được cho là máy bay rơi xuống. Mục đích nhằm không để một nước bên ngoài nào định vị, tìm kiếm, can thiệp trục vớt máy bay. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng một tàu chiến khác của Anh vẫn liên tục chạy quanh vùng biển gần đảo Grete của Hy Lạp ở Địa Trung Hải.
Một nguồn tin giấu tên trong không quân Anh cho biết, Nga chắc chắn rất muốn tiếp cận với một mẫu máy bay hiện đại như F-35B. Tuy nhiên, nguồn tin ẩn danh của hải quân Anh chia sẻ với tờ The Times rằng Nga không có được thiết bị đủ sức trục vớt xác máy bay gần địa điểm nghi ngờ. Hơn thế, chiến dịch tìm kiếm, trục vớt của Nga nếu bị Mỹ, Anh phát hiện ra sẽ gây ra biến cố ngoại giao lớn.
Việc trục vớt xác chiến đấu cơ từ đáy biển đã có một số tiền lệ. Tuy nhiên, đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là khi máy bay nằm dưới đáy biển sâu – như với trường hợp chiếc F-35B này được cho là cách mặt biển hơn 1.600m.
Tháng 4-2019, lực lượng phòng vệ Nhật Bản từng mất một tiêm kích F-35A khi máy bay lao xuống vùng biển đông bắc nước này, làm phi công thiệt mạng. Lực lượng tìm kiếm phát hiện vị trí xác máy bay dưới đáy biển, nhưng phải mất hai tháng mới tìm kiếm và trục vớt được thi thể của phi công. Hộp đen máy bay cũng được tìm thấy, nhưng bị hỏng, không thể trích xuất dữ liệu. Phần lớn xác máy bay vẫn nằm dưới biển. Lực lượng tìm kiếm phát hiện và trục vớt được phần đuôi máy bay không lâu sau khi xảy ra vụ tai nạn.
Với kinh nghiệm từ Nhật Bản và đặc biệt là hiện diện hải quân của Nga ở quân cảng Tartus, Syria trên Đông Địa Trung Hải, rất có thể nỗ lực của Anh và Mỹ sẽ là định vị và trục vớt toàn bộ xác máy bay. F-35B ẩn chứa nguy cơ an ninh, do tiêm kích tàng hình này được trang bị các loại vật liệu tuyệt mật cùng với đó là công nghệ chế tạo thuộc diện nhạy cảm hàng đầu, rất có giá trị về mặt tình báo công nghệ nếu rơi vào tay đối phương.
Hải quân Nga có lực lượng tàu ngầm hùng hậu. Từ những tàu này Nga có thể phóng đi một số loại tàu lặn sâu dạng có người lái hoặc không có người lái. Nga cũng sở hữu trong tay tàu thám hiểm đại dương Yantar, được trang bị nhiều tính năng đặc biệt, có thể định vị và thu hồi các mảnh vỡ dưới đáy biển, trong đó có mảnh vỡ máy bay.