Tỷ lệ lạm phát tại Italy trong tháng 1-2022 đã tăng lên mức cao nhất trong 26 năm qua là 4,8%, chủ yếu do giá năng lượng tăng, trong khi xu hướng lạm phát tiếp tục gia tăng, chủ yếu vẫn là do giá năng lượng.
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn dữ liệu sơ bộ tháng 1-2022, do Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát toàn phần trong tháng 1 là 4,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng so với mức 3,9% trong tháng 12-2021, mức cao nhất kể từ năm 1996, trong khi tỷ lệ lạm phát lõi ổn định ở mức 1,5% so với cùng kỳ năm trước. ISTAT cũng đã điều chỉnh dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2022 là 3,4%.
Các dữ liệu xác nhận rằng việc lạm phát tăng hiện nay là do giá năng lượng, nhưng việc giá thực phẩm và dịch vụ cũng tăng cho thấy tác động từ áp lực giá năng lượng đối với toàn bộ nền kinh tế. Giá năng lượng trong tháng 1-2022 đã tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm cũng tăng 3,8% so với năm trước, nhất là thực phẩm tươi sống. Đáng ngạc nhiên là giá khách sạn và nhà hàng đã tăng 4,1%, bất chấp tác động của biến thể Omicron đối với ngành du lịch và giải trí. Lĩnh vực duy nhất có mức giá giảm là dịch vụ vận tải, giảm từ 3,6% xuống còn 1,4%.
Trước đó, ISTAT cho biết họ đã bổ sung xét nghiệm COVID-19, đồ ăn mang đi và ăn tại chỗ, máy đo oxy theo nhịp tim, được sử dụng để đo nồng độ oxy trong máu, thảm tập thể dục tại nhà và chi phí phát nhạc trực tuyến vào rổ hàng hóa được sử dụng để tính toán lạm phát hàng tháng từ tháng 1-2022, phản ánh cách thức đại dịch COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của chúng ta. Năm 2021, ISTAT đã đưa thêm khẩu trang và gel khử trùng tay vào rổ hàng tính lạm phát.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Italy trong tháng 1-2022 ước tính giảm 1,3% so với tháng trước do chi phí năng lượng tăng và tình trạng thiếu nguồn cung, khiến tăng trưởng kinh tế của nước này đứng trước "rủi ro nghiêm trọng. Đây là tháng thứ 2, sản lượng công nghiệp của Italy giảm sau mức giảm 0,7% trong tháng 12-2021.