Những trận mưa lớn chưa từng thấy trong 60 năm qua gây sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng ở tỉnh duyên hải Kwazulu-Natal của Nam Phi, khiến gần 400 người thiệt mạng chỉ chưa đầy 1 tuần (từ ngày 11 đến 15-4). Giới khoa học nhận định, châu Phi có nguy cơ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, dễ bị tổn thương lớn bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Khi những trận mưa như trút nước tràn vào Durban - thành phố lớn thứ ba của Nam Phi, nhiều người dân đã chia sẻ các video đường cao tốc biến thành sông, các tòa nhà bị sập và xe ô tô bị lật do lũ lụt. Mary Galvin, giáo sư nghiên cứu phát triển tại Đại học Johannesburg cảnh báo, sự tàn phá này chắc chắn có liên quan đến "sự biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn" và các sự kiện cực đoan có khả năng tái diễn.
Trên thực tế, Nam Phi đang phải chứng kiến những tác động ngày một nghiêm trọng của biến đổi khí hậu giống như nhiều quốc gia châu Phi khác. Báo cáo đánh giá của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) vừa đưa ra cảnh báo rằng, nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tần suất và cường độ của mưa lớn và lũ lụt ở Đông Nam châu Phi, cũng như tốc độ gió của các cơn bão nhiệt đới và tỷ lệ lốc xoáy loại 4-5.
Theo phân tích của tổ chức Liên minh thời tiết thế giới (World Weather Attribution), từ đầu năm 2022 biến đổi khí hậu khiến lượng mưa cực lớn trong một loạt các cơn bão lớn ở Madagascar, Malawi và Mozambique nặng hơn và thường xuyên hơn. Khu vực này đã phải hứng chịu ba cơn bão xoáy và hai cơn bão nhiệt đới trong sáu tuần qua khiến hơn một triệu người bị ảnh hưởng và 230 người tử vong.
Các chuyên gia đã phân tích vai trò của biến đổi khí hậu trong việc gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan này. Đó là nhiệt độ toàn cầu tăng cao đang làm tăng lượng ẩm trong khí quyển, vì thế một số khu vực có nguy cơ lũ quét cao hơn do các hiện tượng mưa cực lớn.
Mặc dù chỉ đóng góp một lượng nhỏ phát thải khí nhà kính, nhưng Lục địa đen phải chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ở mức độ không cân xứng. Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống và sinh kế của hơn 100 triệu người nghèo cùng cực. Sự nóng lên toàn cầu dự kiến sẽ làm tan chảy các sông băng còn lại của châu Phi trong vài thập kỷ tới và việc giảm lượng nước cần thiết cho sản xuất nông nghiệp sẽ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, đói nghèo và di dời dân cư.
Ở khu vực châu Phi cận Sahara, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm tới 3% vào năm 2050. Biến đổi khí hậu có thể gây mất ổn định thị trường trong nước, tăng tình trạng mất an ninh lương thực, hạn chế tăng trưởng kinh tế và tăng rủi ro cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nông nghiệp rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, song lĩnh vực này của châu Phi đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu vì phụ thuộc nhiều vào lượng mưa. Thực tế, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng mưa trên khắp châu lục. Với nhiệt độ dự kiến sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới, các nước châu Phi sẽ chứng kiến những đợt mưa ngắn hơn (dẫn đến hạn hán) hoặc mưa lớn hơn (gây ra lũ lụt), dẫn đến giảm sản lượng lương thực.
Đến năm 2030, năng suất cây trồng trên khắp lục địa được dự báo sẽ giảm với số lượng khác nhau tùy thuộc vào khu vực. IPCC cảnh báo “một nửa lục địa châu Phi có thể bị di dời do hậu quả của biến đổi khí hậu” trong khoảng 10 năm nữa.
Biến đổi khí hậu gây tổn hại cho tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó các quốc gia châu Phi sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Thế nên, các quốc gia phát thải carbon nặng cần có nghĩa vụ giúp các quốc gia châu Phi cũng như phần còn lại của thế giới giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.