Lạm phát tăng cao tại nhiều nước

10:11, 16/04/2022

Cơ quan Thống kê quốc gia Thụy Ðiển ngày 14/4 công bố số liệu cho thấy, lạm phát của Thụy Ðiển trong tháng 3/2022 lên mức cao nhất trong 30 năm qua, do giá năng lượng tăng mạnh. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 tăng 6,1% so với một năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,5% trong tháng 2 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1991. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Thụy Ðiển không điều chỉnh lãi suất mạnh trong 3 năm tới, khi cho rằng xu hướng tăng giá này chỉ là tạm thời.

Theo số liệu Viện thống kê và điều tra quốc gia Argentina (INDEC), tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 3 vừa qua tăng 6,7% so với tháng trước đó, do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao. Ðây là mức tăng cao nhất trong 20 năm qua. Tỷ lệ lạm phát của Argentina ở mức 50,1% vào năm 2021 và được dự đoán lên 59,2% trong năm 2022. Chính phủ Argentina đã triển khai nhiều biện pháp đối phó, trong đó có việc kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, tăng cường các chương trình hỗ trợ người dân.

Ngân hàng trung ương Canada (BoC) vừa quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm và cho biết có thể còn tăng lãi suất hơn nữa để kìm hãm đà tăng của lạm phát. Ðây là mức tăng lãi suất mạnh nhất trong hàng chục năm qua tại Canada. Lạm phát giá tiêu dùng tại Canada đã vượt quá phạm vi mục tiêu của BoC kiềm chế ở mức 1%-3% trong năm 2021 và tăng vọt lên 5,7% vào tháng 2/2022, mức cao nhất trong 30 năm qua.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 14/4 cũng thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát. Ðây là đợt tăng lãi suất thứ 4 của BoK kể từ tháng 8/2021, được đưa ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, giá dầu và hàng hóa chủ chốt tăng cao. Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc trong tháng 3 vừa qua tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm qua.

Ngày 13/4, một ngày sau khi Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ do không có khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, Ngân hàng trung ương nước này kêu gọi người Sri Lanka ở nước ngoài hỗ trợ đất nước bằng cách gửi kiều hối về nước, giúp người dân trong nước trang trải chi phí cho lương thực và nhiên liệu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần tới khởi động thảo luận với giới chức Sri Lanka về chương trình cho vay nhằm hỗ trợ nước này vượt qua khủng hoảng.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, Afghanistan có thể tránh được kịch bản kinh tế sụp đổ nếu nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và chính quyền Taliban bảo đảm quyền con người, quản lý tài chính hợp lý và hiệu quả. Trong thông báo ngày 13/4, WB nhấn mạnh để có thể vực dậy kinh tế Afghanistan cần có hành động từ cả lực lượng cầm quyền ở Afghanistan và cộng đồng quốc tế.

IMF ngày 13/4 đã thông qua "quyết định lịch sử" là lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST), được xem là công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó với những thách thức dài hạn, như biến đổi khí hậu và đại dịch. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/5 tới, với mục tiêu huy động được ít nhất 45 tỷ USD.