Màn tái đấu kịch tính trên chính trường Pháp

10:19, 24/04/2022

Hôm nay (24-4), cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống vòng 2 với cuộc đối đầu giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron và ứng cử viên theo đường lối cực hữu Marine Le Pen.

Màn tái đấu giữa ông Macron và bà Le Pen lần này được đánh giá là kịch tính hơn so với 5 năm trước và không loại trừ khả năng xảy ra một “cơn địa chấn chính trị” giữa lòng châu Âu.

Cách đây 5 năm, ông Macron, khi đó là gương mặt mới trên chính trường Pháp, dẫn dắt một chiến dịch cải cách theo đường lối trung dung, đã giành chiến thắng dễ dàng trước ứng cử viên Le Pen với tỷ lệ 66-34%. Sau một nhiệm kỳ tổng thống, trận tỷ thí đầy “duyên nợ” giữa hai chính trị gia lần này được đánh giá là quyết liệt hơn bởi mỗi người đều sở hữu những “lá bài” chủ chốt, có thể hạ đo ván đối phương ở những giây quyết định.

Với ông Macron, “lá bài hộ mệnh” chính là thành quả lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm vừa qua, trong đó có gần một nửa nhiệm kỳ mà nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Là nhà lãnh đạo trẻ, có tư tưởng đổi mới và quyết liệt, Tổng thống Macron đã bảo vệ rất tốt người dân Pháp giữa lúc đất nước trải qua các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, từ phong trào Gilets Jaunes của những người Áo Vàng đến khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Dưới thời cầm quyền của Tổng thống Macron, nước Pháp đã trở lại con đường tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 7,4% - mức thấp nhất trong 14 năm qua. Nền kinh tế Pháp đã có sự phát triển vượt trội so với các quốc gia lớn khác trong khu vực Liên minh châu Âu (EU), ngay cả khi lạm phát đang tăng lên...

Những thành tựu trên thị trường lao động có được là nhờ chính phủ đã cải cách luật lao động ngay từ năm 2017, cải cách hệ thống trợ cấp thất nghiệp, giảm thuế cho doanh nghiệp...

Để bảo vệ những thành quả đạt được trong 5 năm cầm quyền của mình, trong chiến dịch tranh cử, ông Macron cam kết sẽ cải thiện cuộc sống người dân thông qua việc thực hiện các dự án lớn về giáo dục và y tế, đưa nước Pháp trở thành một cường quốc sinh thái trong thế kỷ 21. Nhà lãnh đạo này cũng cam kết không tăng thuế và sẽ tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng mỗi năm cho đến 65 tuổi vào năm 2031 để tạo sức lao động cho người dân.

Trong khi đó, sau thất bại cách đây 5 năm, bà Le Pen vẫn khát khao giành chiến thắng ở chặng đua cuối vào Điện Élysée năm nay. Trong chiến dịch tranh cử, bà Le Pen ưu tiên sử dụng “lá bài” ngăn chặn nhập cư tràn lan và xóa bỏ các hệ tư tưởng Hồi giáo một cách uyển chuyển hơn.

Nắm điểm yếu của đối thủ, bà Le Pen “ra đòn” tập trung vào các vấn đề về chi phí sinh hoạt của người dân, cam kết đánh thuế lao động nước ngoài để mang đến lợi ích cho người Pháp, duy trì tuần làm việc 35 giờ và nghỉ hưu ở tuổi 60. Chiến lược tranh cử hiệu quả đã mang lại cho bà tỷ lệ phiếu bầu ở vòng 1 là 23,15%, chỉ kém ông Macron 4,7% số điểm, thành tích tốt hơn rất nhiều so với thời điểm 5 năm trước.

Vậy tương lai nước Pháp như thế nào sau ngày 24-4? Sau cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 20-4 giữa hai ứng cử viên Macron và Le Pen, tương lai nước Pháp đã được hé mở theo hai hướng, tùy thuộc ai sẽ lên làm tổng thống.

Cả hai ứng viên đều có những tầm nhìn khác nhau trong nhiều vấn đề như chi phí sinh hoạt, lương hưu, nhập cư và an ninh, cải cách bầu cử, chính sách môi trường... Hai ứng cử viên Tổng thống Pháp còn có quan điểm rất khác nhau về chính sách đối ngoại và vai trò của Paris trên thế giới.

Trong khi ông Macron tiếp tục thúc đẩy một châu Âu có chủ quyền hơn và đầu tư vào EU như một phương tiện tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia của Pháp ở cấp độ toàn cầu, thì bà Le Pen thúc đẩy tầm nhìn chủ quyền mang tính dân tộc triệt để, như rút khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO và thách thức các hiệp ước của EU để trở nên độc lập hơn...

Tuy cuộc tranh luận trên truyền hình không mang tính quyết định ai sẽ được lựa chọn vào vị trí tổng thống, nhưng nó đã cho thấy năng lực của các ứng cử viên và tác động phần nào đến sự lựa chọn của các cử tri còn đang do dự, đồng thời thúc đẩy nhiều cử tri đi đến hòm phiếu hơn. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, sau cuộc tranh luận ngày 20-4, ưu thế vẫn đang nghiêng về phía ông Macron.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cơ hội của bà Le Pen đã khép lại. Hiện nay, cả hai ứng cử viên kỳ vọng có được lá phiếu của các cử tri từng ủng hộ nhà lãnh đạo cánh tả Jean-Luc Melenchon - người đã bị loại sau vòng 1 của cuộc bầu cử. Khu vực bầu cử của ông Jean-Luc Melenchon được đánh giá sẽ là "chìa khóa" để phân định cuộc đua giữa ông Macron và bà Le Pen trong vòng 2.

Dù là cuộc bầu cử ở Pháp nhưng cả EU cũng nín thở trước giờ G, hồi hộp chờ đợi kết quả ai là người về đích trước trong trận chung kết ngày 24-4. Tâm trạng phấp phỏng này từng xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 khi lần đầu tiên lãnh đạo đảng cực hữu thời đó là ông Jean-Marie Le Pen, cha của bà Le Pen, lọt vào vòng 2 cùng với ứng cử viên Jacques Chirac.

Bà Le Pen cũng nhiều lần khiến nước Pháp và châu Âu “mất ngủ” khi quan điểm bài người nhập cư của bà từng khuấy động chủ nghĩa dân túy ở “lục địa già”. 

Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp không chỉ ảnh hưởng tới tương lai nước này mà còn tác động tới khu vực. Nếu ứng cử viên cực hữu Le Pen thắng cử, đây sẽ là cú sốc đối với các thể chế hiện hành, tương tự như khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng năm 2017 hay khi Anh bỏ phiếu rời EU (còn gọi là Brexit).

Trong trường hợp xảy ra kịch bản trên, Pháp từ chỗ là lực đẩy cho sự hội nhập của EU sẽ được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo hoài nghi châu Âu và cả NATO. Bên cạnh đó, quan điểm hòa giải của bà Le Pen với Nga sẽ làm phức tạp những nỗ lực của châu Âu và Mỹ trong việc gây sức ép lên Moscow liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine hiện nay.

Ai sẽ là người về đích trong cuộc đua vào Điện Élysée năm nay? Liệu có xảy ra một “cơn địa chấn chính trị” giữa lòng châu Âu? Câu trả lời sẽ có trong ngày 24-4, theo giờ Paris. Nhưng dù ai chiến thắng thì người đó cũng phải đối mặt với các vấn đề nổi cộm trong xã hội Pháp hiện nay, và chắc chắn đó là con đường không trải hoa hồng.