Đối thoại Shangri-La ngày càng khẳng định được vai trò và sức hút

06:22, 10/06/2022

Đối thoại Shangri-La (còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á) lần thứ 19 do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-6 tại Singapore.

Sau hai năm tạm hoãn do tác động của dịch COVID-19, IISS cho biết, Đối thoại Shangri-La lần này dự kiến thu hút sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Diễn đàn cấp cao về quốc phòng quan trọng bậc nhất khu vực

Được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, Đối thoại Shangri-La là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.

Trải qua 18 lần tổ chức, Đối thoại Shangri-La được đánh giá ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế, với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

“Đối thoại Shangri-La là diễn đàn cấp cao về quốc phòng quan trọng bậc nhất của châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một diễn đàn đặc biệt để các bộ trưởng thảo luận về những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia các cuộc hội đàm song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới. Giữa lúc càng có nhiều sự quan tâm tới những diễn biến địa chính trị và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương, việc thảo luận trực tiếp giữa các nhân tố chủ chốt trong khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đối thoại Shangri-La chính là diễn đàn đặc biệt cho việc thảo luận nói trên, tạo điều kiện để bộ trưởng, quan chức cấp cao các nước cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia an ninh cùng nhau chia sẻ quan điểm mới về những thách thức an ninh đang nổi lên của khu vực”, IISS nêu rõ.

Theo IISS, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 sẽ tiếp tục quy tụ nhiều bộ trưởng quốc phòng, quan chức cấp cao trong khu vực và trên thế giới cùng lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia an ninh để thảo luận những vấn đề an ninh quan trọng, “tạo cơ hội cho các đại biểu từ hơn 40 quốc gia cùng thảo luận trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng trên toàn cầu”.

Đối thoại Shangri-La lần này dự kiến có 7 phiên toàn thể, 3 phiên đặc biệt đồng thời. Phát biểu đề dẫn tại đối thoại sẽ là Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Minh chứng sinh động cho tinh thần trách nhiệm

Kể từ khi được mời tham gia Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên vào năm 2002 cho đến nay, Việt Nam đã tham dự đối thoại nhiều lần ở cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việt Nam luôn thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thường xuyên đưa ra quan điểm rõ ràng trước những thách thức an ninh trong khu vực, trên cơ sở kiên trì với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã được mời phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về “lòng tin chiến lược”, trong đó nhấn mạnh “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”, “lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành” đã mang lại dư luận tốt cả trong nước và quốc tế, giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Cùng với Đối thoại Shangri-La, những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đa phương là những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản lý có hiệu quả xung đột, trong đó phải kể đến Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Đối thoại quốc phòng Seoul, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)...

Sự tham gia của Việt Nam không chỉ góp phần vào thành công chung của Đối thoại Shangri-La và những diễn đàn đa phương nói trên mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, truyền tải thông điệp: Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.