Lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 5 này đã tăng lên mức kỷ lục mới 8,1%, sau khi ghi nhận mức kỷ lục 7,4% trong tháng 7.
Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) Eurostat ngày 31/5 công bố số liệu trên, trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới khủng hoảng giá năng lượng và thực phẩm trên toàn cầu.
Lạm phát của Eurozone, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 5 đã tăng lên 4,4% so cùng kỳ năm ngoái, do giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng vọt mà nguyên nhân ban đầu do chuỗi cung ứng gian đoạn, tiếp đến là xung đột giữa Nga và Ukraine. Hiện mức lạm phát của Eurozone đã tăng gấp 4 lần so mức 2% mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Theo kế hoạch, trong tháng 7 tới, ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% để kiềm chế lạm phát, tuy nhiên hiệu quả của biện pháp này vẫn là một ẩn số khi mà giá cả các loại hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian tới. Thậm chí, thống đốc các ngân hàng trung ương của Áo, Hà Lan và Latvia còn đề xuất cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5%.
Trong khi đó, tại Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu, thị trường việc làm tiếp tục có những tín hiệu tích cực dù kinh tế nước này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn giống như nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo của Cơ quan Việc làm liên bang Đức cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tiếp tục giảm trong tháng 5/2022. Số người thất nghiệp tại Đức hiện vào khoảng 2,26 triệu, giảm 50.000 người so tháng 4 và giảm 428.000 người so cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 4,9%.
Ông Detlef Scheele, Chủ tịch Cơ quan Việc làm liên bang Đức, cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng và ở mức rất cao trong tháng 5, khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục giảm. Trong tháng 5, các doanh nghiệp đã đăng ký 865.000 việc làm cần tuyển lao động mới với Cơ quan việc làm liên bang, nhiều hơn 211.000 việc làm so cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian cho các ngành công nghiệp, vẫn là một thách thức lớn đối với triển vọng thị trường lao động trong lĩnh vực này thời gian tới.
Ngược lại, lĩnh vực thương mại và dịch vụ đang được hưởng lợi từ việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe... đang bứt phá mạnh mẽ và tích cực tuyển dụng thêm lao động, đặc biệt là các công việc bán thời gian. Điều này góp phần thúc đẩy thị trường lao động.
Việc thiếu lao động lành nghề tiếp tục trở thành một vấn đề nan giải trên thị trường lao động Đức. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất cao, nhưng không phải lúc nào cũng có thể tìm được các lao động phù hợp, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ mới.