Xây dựng một châu Âu ''Không phát thải''

10:35, 11/06/2022

Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua bản "Kế hoạch khí hậu" do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, có trọng tâm là cấm bán mới các loại xe ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2035, qua đó hướng tới tham vọng biến châu Âu thành lục địa không phát thải các bon vào giữa thế kỷ 21. Trong bối cảnh những chiếc “bốn bánh” đang sản sinh 12% khí thải nhà kính, giao thông sản sinh 25% lượng CO2 ở châu Âu, đề xuất mới này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều chuyên gia.

Theo đài CNBC, đề xuất của EU được thông qua nhờ sự ủng hộ của 339 thành viên Nghị viện châu Âu (EP), bất chấp sự phản đối của 249 nghị sĩ. Tuy tỷ lệ tán thành không quá ấn tượng, nhưng kết quả này được coi là sự kiện lịch sử vì lâu nay đề xuất trên luôn gặp phải sự phản đối rất lớn từ nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE) - lực lượng lớn nhất tại Nghị viện châu Âu (EP).

Thực tế, trong lần bỏ phiếu này, nhiều đề xuất liên quan tới môi trường cũng đã không đạt được, như: Đề xuất cải cách thị trường các bon và thuế các bon của EU, đề xuất thành lập Quỹ Khí hậu xã hội…

Bước đi trên được Mạng truyền hình CNN mô tả là “mạnh mẽ nhất trên thế giới” nhằm loại bỏ xe sử dụng động cơ đốt trong. Trong đó nêu rõ, các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu sẽ phải cắt giảm 100% phát thải khí CO2 vào năm 2035 - đồng nghĩa rằng họ không thể bán ra những chiếc xe mới sử dụng động cơ xăng hay dầu diesel tại 27 quốc gia thành viên EU.

Trước kỳ hạn trên, các hãng xe cũng phải cắt giảm 55% phát thải các bon từ ô tô xuất xưởng vào năm 2030 so với năm 2021.

Vui mừng trước quyết định của EP, nghị sĩ Hà Lan Jan Huitema nhấn mạnh, đây là đóng góp quan trọng giúp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 của EU. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - người phụ trách chính sách môi trường của EU - Frans Timmermans cho rằng, việc chuyển đổi năng lượng tại châu Âu là cấp bách trong bối cảnh lục địa này đối mặt với các thách thức lớn về năng lượng bởi cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất mới sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô mạnh dạn đầu tư vào chế tạo ô tô điện, qua đó mang tới cơ hội mua được những chiếc xe "xanh" với giá thành rẻ hơn cho người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quyết định này của EP đưa ra ở thời điểm hợp lý, khi xu hướng sử dụng xe điện đang phát triển mạnh mẽ. Theo các thống kê, riêng 5 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 365.000 xe ô tô điện mới được đăng ký lưu hành tại các nước Tây Âu. Đây là mức tương đương doanh số ô tô điện của cả năm 2019 và bằng 8% tổng số xe ô tô đang lưu hành.

Tuy có quan điểm ủng hộ các nỗ lực xanh hóa giao thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu vẫn tỏ ra lo lắng trước động thái mới của các nhà lập pháp. Lý do trước hết là các hãng xe ở Lục địa già đang duy trì thế mạnh về ô tô công suất lớn và sang trọng, nhưng chậm chân hơn so với các thương hiệu châu Á trong cuộc đua phát triển xe "xanh". Thứ hai, hạ tầng sạc hỗ trợ ô tô điện còn nhiều hạn chế.

Theo Giám đốc điều hành Hãng ô tô BMW Oliver Zipse, dù các nhà sản xuất ô tô đang quyết tâm chế tạo xe điện, nhưng đề xuất của EU thiết lập trần khí thải “cứng” vào năm 2035 là mạo hiểm, khi thế giới vẫn đối mặt với nhiều biến động khó lường - đặc biệt là tình trạng thiếu linh kiện. Lãnh đạo BMW cho rằng, nên đề ra các mốc đánh giá và điều chỉnh giữa kỳ.

Tuy là bước tiến quan trọng đối với nỗ lực “xanh hóa” châu Âu, nhưng Lục địa già vẫn cần tìm được tiếng nói chung mạnh mẽ hơn trong vấn đề môi trường, nếu muốn hiện thực hóa mong muốn là lá cờ đầu dẫn dắt nỗ lực chống biến đổi khí hậu của nhân loại.