Xung đột Nga-Ukraine kéo dài làm thế giới đối mặt nhiều hệ lụy

10:51, 04/06/2022

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang ngày thứ 100 nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ vậy, nó còn đẩy thế giới vào những cuộc khủng hoảng tồi tệ.

Thời gian qua, Mỹ cùng các đồng minh ngày càng củng cố quyết tâm gây sức ép tối đa với Nga thông qua các lệnh trừng phạt mới và liên tiếp phá vỡ mọi giới hạn để cung cấp vũ khí cho Ukraine bất chấp những cảnh báo sắc lạnh từ Điện Kremlin.

Reuters đưa tin ngày 3-6, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moscow, trong đó có giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga nhằm nhanh chóng thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, cũng như loại thêm một số ngân hàng nước này ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Trước đó, vào đầu tháng này, riêng Mỹ đã công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 700 triệu USD cho Kiev. Trong một diễn biến liên quan, Phần Lan và Thụy Điển cũng quyết định từ bỏ quy chế trung lập để tìm kiếm tư cách thành viên NATO.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào thời điểm thế giới vừa trải qua hai năm điêu đứng vì COVID-19 và đang kỳ vọng vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch. Chính vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine càng kéo dài thì càng gây ra những tác động đa tầng trên phạm vi toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và lương thực.

Thế giới đang phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng tăng cao đột biến, từ xăng, dầu, khí đốt tự nhiên đến than đá, với mức tăng ước khoảng gần 50% tính từ đầu năm tới nay. Khi cuộc chiến bùng phát, Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Ngược lại, Moscow trả đũa các lệnh trừng phạt đó bằng cách hạn chế hoặc thậm chí ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên sang nhiều quốc gia châu Âu.

Khi mà cuộc xung đột Moscow-Kiev còn kéo dài, các nhà phân tích nhận định thế giới có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tương đương, thậm chí tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 70 của thế kỷ trước, đặc biệt sau nhiều năm không đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Hãng dịch vụ tài chính JP Morgan dự báo giá dầu còn có khả năng tăng lên 175USD/thùng trong những năm tới.

Bên cạnh khủng hoảng năng lượng, thế giới cũng đang đứng trước một cuộc khủng hoảng lương thực. Thực tế, Nga và Ukraine là hai trong những “vựa lương thực” của thế giới, chiếm khoảng 25% lượng xuất khẩu lúa mỳ thế giới, 15% xuất khẩu ngô và gần như toàn bộ lượng xuất khẩu dầu hướng dương.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá nông sản tăng vọt và đe dọa chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu. Tính tới hiện tại, giá lúa mỳ đã tăng khoảng 35%, giá ngô tăng 17%, giá đậu tương tăng 8%... Một số dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng cuộc xung đột có thể đẩy 250 triệu người vào cảnh đói nghèo.

AFP đưa tin, ngày 2-6, phát biểu trước báo giới sau khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nêu rõ các nước phương Tây cần chuẩn bị cho một cuộc “giao tranh tiêu hao” kéo dài tại Ukraine, đồng thời khẳng định NATO không muốn đối đầu trực diện với Moscow nhưng có trách nhiệm hỗ trợ Kiev.

Cảnh báo của Tổng thư ký NATO lại càng củng cố thêm quan điểm lâu nay rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ không thể sớm đi đến hồi kết. Mặt khác, triển vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hay hiệp định hòa bình thông qua đàm phán cũng rất mong manh. Cả Moscow và Kiev đều đổ lỗi cho nhau khiến tiến trình thương thảo bế tắc. Hiện chưa bên nào sẵn sàng giải quyết xung đột theo hướng đi này.