Để có thể chống chọi tốt hơn với việc nguồn cung khí đốt của Nga sụt giảm nghiêm trọng, hoặc thậm chí có khả năng ngừng cung cấp khí đốt, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra nhiều biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cho 27 quốc gia thành viên để tiết kiệm từ 25 đến 60 tỷ mét khối khí đốt trước khi mùa đông tới.
Trong kế hoạch dự kiến công bố vào ngày 20-7 tới, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh: “Hành động ngay bây giờ có thể giảm được tác động của việc đột ngột bị gián đoạn 1/3 lượng khí đốt cung cấp”. Một trong những biện pháp mà EC đưa ra trong kế hoạch trên là yêu cầu các quốc gia thành viên kể từ tuần tới hạn chế sưởi ấm ở mức 19°C và để điều hòa không khí ở mức 25°C trong các tòa nhà công cộng nhằm giảm bớt nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu lục.
Theo ước tính, giảm bớt việc sử dụng hệ thống sưởi hoặc làm mát các tòa nhà sẽ giúp tiết kiệm 11 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên; giảm bớt nhu cầu sử dụng khí đốt để sản xuất điện sẽ giúp tiết kiệm từ 4 đến 40 tỷ mét khối khí đốt; trong khi giảm bớt nhu cầu về khí đốt trong các ngành công nghiệp sẽ giúp tiết kiệm thêm khoảng 10-11 tỷ mét khối khí đốt.
Ngoài ra, châu lục này cũng có thể tiết kiệm được khí đốt bằng việc thực hiện những chiến dịch tuyên truyền để khuyến khích các hộ gia đình giảm bớt việc sưởi ấm trong mùa đông tới. Tuy nhiên, theo EC, “những khách hàng được bảo vệ” (các hộ gia đình, dịch vụ xã hội, doanh nghiệp vừa và nhỏ) chỉ chiếm chưa đến 37% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của toàn châu lục và các mô phỏng cho thấy họ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng thiếu hụt khí đốt.
Do vậy, EC ưu tiên tiết kiệm khí đốt trong những lĩnh vực tiêu thụ loại khí này nhiều nhất bao gồm các nhà máy điện và ngành công nghiệp.
Cũng theo EC, việc nguồn cung khí đốt đột ngột bị gián đoạn có thể ảnh hưởng nặng nề tới các ngành công nghiệp vốn có ít lợi nhuận, khiến những ngành công nghiệp này phải giảm mạnh sản lượng hoặc chuyển sang sử dụng nhiên liệu khác thay cho khí đốt.
Để khuyến khích việc tiết kiệm trên, EC đang đề xuất với 27 quốc gia thành viên thiết lập “các hệ thống bán đấu giá” để bù đắp cho các công ty sử dụng khí đốt nhằm đổi lấy việc giảm tiêu thụ khí đốt của họ.
Những đề xuất nêu trên sẽ là trọng tâm trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng châu Âu dự kiến diễn ra vào ngày 26-7 tới tại Brussels (Bỉ). Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, mong muốn các bộ trưởng thảo luận về kế hoạch tiết kiệm khí đốt của EU cho mùa đông tới, trước kỳ nghỉ hè tháng 8.
Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga. Trước đây, EU sử dụng khoảng 155 tỷ mét khối khí đốt/năm, trong đó khí đốt của Nga chiếm 40%. Khí đốt từ Nga đưa sang châu Âu chủ yếu theo 3 tuyến đường ống, gồm tuyến đường Yamal-châu Âu, tuyến đường qua Ukraine và tuyến qua biển Baltic (tức là đường ống Dòng chảy phương Bắc 1-Nord Stream 1).
Hiện tại, tuyến đường Yamal qua Ba Lan đã bị đóng với lý do chính thức là Ba Lan từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Trong khi đó, lượng khí đốt đi qua tuyến đường Ukraine bị giảm mạnh. Theo Công ty OGTSOU của Ukraine quản lý tuyến đường này, Công ty Gazprom hiện chỉ khai thác 1/7 khả năng vận chuyển khí đốt.
Ngày 11-7 vừa qua, Công ty Gazprom của Nga thông báo dừng đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức để bảo trì trong 10 ngày. Nhiều người lo ngại rằng, nếu Nga đóng hẳn tuyến đường ống Nord Stream 1, điều này gần như đồng nghĩa với việc Moscow tiến đến khả năng cắt đứt hoàn toàn khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.
Để đối phó với kịch bản xấu có thể xảy ra, EU đã đưa ra hàng loạt biện pháp, trong đó có việc cắt giảm đáng kể khí đốt, hướng đến việc giảm 2/3 lượng khí đốt từ Nga trong năm nay và chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn khí đốt của Nga vào năm 2027.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm tư vấn Bruegel, EU đã cắt giảm được 15% lượng tiêu thụ khí đốt so với trước khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Thực tế này cho thấy, dù nỗ lực song EU vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong ngắn hạn.