Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất ở Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 8-2022 với 6,6%, tiếp theo là Malta (7%) và Phần Lan (7,9%).
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Bordeaux, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Số liệu do Eurostat công bố ngày 16-9 cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại EU đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8, tăng đáng kể so với mức 9,8% của tháng 7.
Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng 7.
Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn EU là 3,2%.
Pháp là quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong tháng 8-2022 với 6,6%, tiếp theo là Malta (7%) và Phần Lan (7,9%).
Ngược lại, lạm phát vẫn cao nhất tại 3 quốc gia Baltics với lần lượt Estonia (25,2%), Latvia (21,4%) và Litva (21,1%).
Tình trạng tăng giá trong tháng 8 cũng diễn ra nghiêm trọng tại Hungary, quốc gia có tỷ lệ lạm phát lên đến 18,6%, tăng vọt so với mức 14,7% trong tháng 7-2022, qua đó đưa Hungary lên đứng hàng thứ tư và đẩy Cộng hòa Séc với 17,1% xuống vị trí thứ năm trong số các quốc gia thành viên EU có tỷ lệ lạm phát cao nhất hiện nay.
So với tháng 7, tỷ lệ lạm phát tính theo năm giảm tại 12 quốc gia thành viên EU và tăng ở 15 quốc gia còn lại.
Tại khu vực Eurozone, vấn đề tăng giá năng lượng góp phần lớn nhất gây ra tình trạng lạm phát, với tỷ lệ 3,95%; tiếp đó là các mặt hàng thực phẩm, rượu và thuốc lá (2,25%), dịch vụ (1,62%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (1,33%).
Cùng ngày 16-9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, những quyết định của thể chế này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng ưu tiên hiện nay của ngân hàng này vẫn là ổn định giá cả hàng hóa.
Phát biểu tại 1 sự kiện ở trụ sở Ngân hàng Trung ương Pháp, bà Lagarde cho biết, khi thiết lập chính sách tiền tệ, ECB đã phải tính đến tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, cũng như những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).
Bà nhấn mạnh các quyết sách của ECB có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng đó là cái giá mà châu Âu phải chấp nhận bởi bình ổn giá là một ưu tiên quan trọng.
Tuần trước, hội nghị không chính thức Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương EU đã kết thúc 3 ngày làm việc tại Praha (Cộng hòa Séc).
Tuyên bố sau hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng EU cần có chính sách tài khóa thận trọng và kiềm chế lạm phát.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin