Những yếu tố tác động tới kinh tế toàn cầu và nguy cơ suy thoái

Theo qdnd.vn 15:15, 01/01/2023

Các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, “cơn ác mộng” suy thoái toàn cầu có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

CNN mới đây đã nêu bật 3 yếu tố có ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới năm 2023. Đó là những động thái tiếp theo của các ngân hàng trung ương, tác động từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và giá năng lượng.

Bài toán kiềm chế lạm phát và tăng lãi suất

Nền kinh tế toàn cầu vừa trải qua một năm khó khăn, với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí đã gọi lạm phát là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự thịnh vượng hiện tại và tương lai.”

Lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu dù phong tỏa đã được dỡ bỏ và buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Hệ quả là thế giới đang chứng kiến một làn sóng tăng lãi suất nhanh chóng và rộng khắp. Khoảng 90 ngân hàng trung ương khắp thế giới đã tăng lãi suất trong năm 2022.

Trang trí mừng năm mới 2023 tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh: The Verge
Trang trí mừng năm mới 2023 tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh: The Verge

Tăng lãi suất là lựa chọn của nhiều ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát. Nhưng đây là con dao hai lưỡi, có thể tạo ra lực cản với tăng trưởng kinh tế. Kay Daniel Neufeld, Giám đốc đồng thời là trưởng bộ phận dự báo tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (Cebr) của Anh, cho biết: “Có khả năng nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với suy thoái vào năm 2023 do lãi suất tăng để đối phó với lạm phát cao hơn”. Vì vậy, kiềm chế lạm phát song đồng thời không để kinh tế giảm tốc, ngăn suy thoái là bài toán khó mà các ngân hàng trung ương đang phải đối mặt.

Điểm sáng

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau 3 năm thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt kiềm chế đại dịch, mang lại hy vọng phục hồi toàn cầu.

Thời gian gần đây, Trung Quốc có nhiều tiến triển trong nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19. Quốc gia này đã dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12-2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II-2023. Đây là tín hiệu tích cực không chỉ với Trung Quốc mà với nhiều quốc gia khác trên thế giới, bởi nền kinh tế lớn nhất châu Á là mắt xích quan trọng, có vai trò quyết định trong tiến trình phục hồi và phát triển nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các biện pháp chống dịch quyết liệt ở Trung Quốc thời gian qua là một trong những trở ngại lớn kìm hãm nỗ lực hồi phục kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới. Những diễn biến liên quan đến dịch Covid-19 ở “công xưởng” lớn nhất thế giới đã góp phần gây gián đoạn chuỗi ung ứng toàn cầu và đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới.

Do vậy, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc là điều mà nhiều quốc gia mong đợi. Giới quan sát đánh giá, với quyết tâm cao độ và những biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường sự chủ động và nguồn lực trong việc kiểm soát dịch bệnh, Trung Quốc có nhiều cơ hội trong nỗ lực bảo đảm tiến trình phục hồi kinh tế; qua đó, tiếp tục thể hiện vị thế của một siêu cường kinh tế, tiếp tục là một trụ đỡ tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Cơn bão giá năng lượng liệu có trầm trọng hơn?

Có thể thấy diễn biến thị trường năng lượng tiếp tục là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt trong năm 2023. Xung đột tại Ukraine trong năm qua đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu chao đảo. Sự đứt đoạn nguồn cung khiến giá cả bị đẩy lên cao kỷ lục, hệ lụy kéo theo là lạm phát, suy thoái kinh tế ở nhiều nơi. Do vậy, cuộc xung đột tại Ukraine tiếp tục được xếp vào một trong những biến số tác động lớn tới thị trường năng lượng thế giới trong năm 2023.

Một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên vào năm 2023 nếu Nga dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu khí đốt sang khu vực này. Bên cạnh đó, cũng có khả năng nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng vọt khi nền kinh tế nước này phục hồi trở lại. Theo dự báo của Bloomberg Economics, trong trường hợp Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, giá năng lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 20%.

Trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn, lạm phát cao kỷ lục, bất ổn giá năng lượng, các chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với một thập kỷ tăng trưởng ì ạch và năm 2023 sẽ là năm gập ghềnh với kinh tế thế giới.