Nhà chức trách Italy đã quyết định tạm thời chặn công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên gọi ChatGPT, trong bối cảnh nước này đang tiến hành điều tra khả năng ứng dụng chatbot này vi phạm các quy tắc nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU).
ChatGPT đang “gây bão” trên toàn cầu (ảnh minh hoạ). |
Trước thông tin trên, đơn vị sở hữu ChatGPT là công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ chưa đưa ra bình luận cụ thể nào. Trước đó, một số trường phổ thông công lập và nhiều trường đại học trên khắp thế giới cũng đã quyết định chặn ứng dụng này do lo ngại gia tăng tình trạng gian lận trong thi cử.
AP dẫn tuyên bố của Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy (IDPA) cho hay, trong vòng 20 ngày, OpenAI có trách nhiệm phải báo cáo những biện pháp bảo vệ dữ liệu thông tin cho người dùng, nếu không, OpenAI có thể đối mặt với mức phạt lên tới 20 triệu euro (22 triệu USD) hoặc 4% doanh thu toàn cầu mỗi năm. OpenAI trước đó từng thông báo ngừng vận hành ChatGPT vào ngày 20-3 để vá lỗi khi một số người dùng xem được nội dung các cuộc trò chuyện cũng như thông tin tài khoản thanh toán của người dùng khác. Một báo cáo điều tra của OpenAI cho thấy, 1,2% người dùng ChatGPT Plus (phiên bản ChatGPT cao cấp có tính phí) có thể đã bị rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, theo cáo buộc của IDPA, sự cố này không phải là vô tình mà chính OpenAI đã cố ý “thu thập và xử lý hàng loạt dữ liệu cá nhân” nhằm mục đích phục vụ đào tạo các thuật toán của ứng dụng mà không thông báo cho người dùng. Điều này nguy hiểm ở chỗ, không loại trừ ChatGPT có thể tạo ra hoặc lưu trữ những thông tin sai lệch.
Ngoài ra, dù tuyên bố người dùng phải trên 13 tuổi, song OpenAI không hề có hệ thống xác minh độ tuổi người dùng, dẫn đến việc trẻ em có thể phải đối mặt với những phản hồi không phù hợp với độ tuổi và nhận thức của các em.
Quyết định của nhà chức trách Italy về việc chặn ChatGPT được đưa ra trong bối cảnh ngày càng gia tăng mối lo ngại trên toàn cầu về sự bùng nổ công nghệ AI. Hôm 29-3, một nhóm nhà khoa học và lãnh đạo các công ty công nghệ, trong đó có tỷ phú Mỹ Elon Musk, đã công bố một bản kiến nghị kêu gọi các công ty như OpenAI tạm dừng phát triển những mô hình AI mạnh mẽ hơn trong vòng 6 tháng để thế giới có thời gian cân nhắc rủi ro.
Lý do đưa ra là các công ty công nghệ đang tiến quá nhanh trong việc “tung ra công nghệ AI mạnh mẽ mà một ngày nào đó nó có thể thông minh hơn con người và do đó sẽ thao túng loài người”. Mới nhất, OpenAI vừa tung ra ứng dụng GPT-4, một phiên bản cải tiến của ChatGPT, châm ngòi cho một cuộc chạy đua các ứng dụng tương tự giữa những "gã khổng lồ" công nghệ Microsoft và Google.
Các nhà khoa học cảnh báo, hệ thống AI với “trí thông minh cạnh tranh với con người có thể gây ra những rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại”, từ việc internet tràn ngập thông tin sai lệch, đẩy mạnh tự động hóa công việc khiến nhiều người thất nghiệp... cho đến những rủi ro thảm khốc hơn trong tương lai.
Lao vào cuộc chạy đua khốc liệt trong việc phát triển các ứng dụng AI, bản thân các công ty công nghệ cũng không tính toán hết được, cũng như không thể kiểm soát hậu quả khôn lường mà những ứng dụng này có thể gây ra.
Hôm 30-3, Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) cũng đã kêu gọi các nhà chức trách EU và 27 quốc gia thành viên của khối điều tra nền tảng ChatGPT và các chatbot AI tương tự. BEUC cho biết, có thể mất nhiều năm nữa luật AI của EU mới có hiệu lực, vì vậy, các cơ quan chức năng cần hành động khẩn trương hơn để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là để ngăn chặn cách thức mà ChatGPT và các chatbot tương tự có thể lừa dối, thao túng người dùng.
ChatGPT ra mắt vào tháng 11-2022 và ngay lập tức trở thành một ứng dụng phổ biến khắp toàn cầu nhờ khả năng giải thích những điều phức tạp một cách rõ ràng, ngắn gọn, viết bằng các phong cách và ngôn ngữ khác nhau với giọng điệu giống con người, có khả năng sáng tác thơ, văn, vẽ tranh... thậm chí đưa ra đáp án chính xác cho các đề thi hóc búa. ChatGPT cũng có thể được sử dụng để viết code cho dù người sử dụng không có nhiều kiến thức về công nghệ máy tính.
Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực công nghệ AI cũng như sự “lên ngôi” của ChatGPT, các nhà lập pháp Mỹ đang đặt câu hỏi về tác động của chatbot AI đối với an ninh quốc gia và giáo dục. Trong khi đó, Chính phủ Anh đã công bố các đề xuất để xây dựng khung pháp lý liên quan tới AI. Theo đó, một mặt, London nỗ lực đặt công nghệ AI trong tầm kiểm soát, mặt khác, “tránh quy định nặng tay vốn có thể kìm hãm sự đổi mới". C
ác nhà lập pháp ở 27 quốc gia EU cũng đã đàm phán về việc thông qua các quy định sâu rộng về AI. Riêng Cơ quan Cảnh sát EU (Europol) mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng giới tội phạm có thể lợi dụng các chatbot AI như ChatGPT để thực hiện hành vi lừa đảo cũng như hành vi phạm tội khác trên không gian mạng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin