Trung Quốc cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine đang ngày càng trở nên không thể đoán trước kể từ khi giao tranh nổ ra vào năm ngoái.
Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Geng Shuang. Ảnh: AP |
Phó đặc phái viên Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Geng Shuang tuyên bố chỉ giải pháp chính trị mới có thể giải quyết xung đột ở Ukraine, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế tìm kiếm một kết thúc hòa bình cho cuộc khủng hoảng này.
Phát biểu tại một cuộc họp mở về Ukraine tại LHQ hôm 17/7, ông Geng Shuang đã đề xuất một khuôn khổ bốn điểm cho các nỗ lực hòa bình trong tương lai. Ông cho rằng cơ quan toàn cầu này nên làm việc cùng nhau để ngăn chặn tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nhà ngoại giao Trung Quốc trên nhận định diễn biến của tình hình chiến trường cho thấy các biện pháp quân sự không thể giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và việc tiếp tục xung đột sẽ chỉ mang lại nhiều đau khổ hơn cho dân thường, thậm chí có thể dẫn đến những tình huống khó lường và không thể khắc phục được. “Cho dù cuộc khủng hoảng kéo dài bao lâu, sau cùng nó sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị”, ông Geng Shuang kết luận
Khuôn khổ gồm bốn điểm của Trung Quốc kêu gọi Moskva và Kiev tổ chức các cuộc đàm phán, hạn chế tác động lan tỏa tiềm tàng của cuộc khủng hoảng, giải quyết các vấn đề nhân đạo cũng như đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân, đặc biệt là tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.
Phó đặc phái viên Trung Quốc tại LHQ tiếp tục lập luận rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở Ukraine cần phải duy trì một khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững.
Mặc dù không nêu đích danh liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng quan chức này cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào năm ngoái là do “việc mở rộng các khối quân sự, vốn chỉ có thể mang lại sự hỗn loạn và bất ổn cho châu Âu và toàn thế giới”.
Đầu năm nay, Trung Quốc công bố lộ trình hòa bình 12 điểm được thiết kế để chấm dứt giao tranh ở Ukraine, kêu gọi nối lại đàm phán và lập luận rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được giữ vững. Chính phủ Trung Quốc trước đó đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Moskva, đồng thời cho rằng sự mở rộng của NATO ở châu Âu là gốc rễ của cuộc xung đột ở Ukraine.
Sáng kiến này đã nhận được sự đón nhận tích cực ở Moskva, với việc các quan chức cấp cao ở Điện Kremlin tỏ dấu hiệu sẵn sàng thảo luận thêm về lộ trình này. Tuy nhiên, phía Kiev và một số nước phương Tây lại mạnh mẽ phản đối, với cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ lợi ích của Moskva.
Lập trường về hòa bình của Nga đã được vạch ra trong các cuộc đàm phán ở Belarus, và sau đó là các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 - tháng 4/2022. Nga muốn Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập các khối quân sự hay liên minh nào, cũng như từ chối sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Nga đặt mục tiêu phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, giải quyết vấn đề ngôn ngữ, cũng như công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk, đồng thời công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và Sevastopol. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, các cuộc đàm phán bị đình trệ.
Về phần mình, tháng 11/2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình mà Ukraine coi là giải pháp lâu dài khả thi duy nhất. Kế hoạch này gồm 10 bước.
Theo ông Zelensky, Nga phải rút lực lượng khỏi Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trao đổi tất cả tù binh. Kiev phải được đảm bảo an ninh quân sự, hạt nhân, lương thực, sinh học và năng lượng thông qua các cơ chế quốc tế. Ngoài ra, Ukraine muốn Nga phải chi trả mọi thiệt hại do chiến tranh gây ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin