Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có làm nên lịch sử dựa vào vai trò hòa giải ở Trung Đông?

TNĐT 14:14, 24/04/2024

Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò là kênh hỗ trợ quan trọng cho Tehran và Washington khi các quan chức Iran cân nhắc các phương án trả đũa cuộc tấn công toà nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán của họ ở Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) trong cuộc gặp lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, tại Istanbul, ngày 20/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) trong cuộc gặp lãnh đạo Phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, tại Istanbul, ngày 20/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi mối quan hệ giữa Israel và Iran xấu đi, tình hình địa chính trị trong khu vực có thể đang chuyển hướng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò lớn hơn giữa căng thẳng leo thang ở Trung Đông, theo nhận định của tờ The National (UAE) ngày 23/4.

Bắt đầu với cuộc đối đầu vốn diễn ra bí mật kéo dài giữa Israel và Iran chuyển thành công khai trực tiếp trong những tuần gần đây: Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò là kênh hỗ trợ quan trọng cho Tehran và Washington khi các quan chức Iran cân nhắc các phương án trả đũa cuộc tấn công toà nhà lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở Syria vào đầu tháng này.

Sau khi Israel và các đồng minh bắn hạ hầu hết số tên lửa và máy bay không người lái của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công khai cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan vì đã đóng vai trò trung gian - một biểu hiện quan trọng thể hiện sự đánh giá cao của Mỹ vào thời điểm khu vực rất căng thẳng.

Thứ hai, Qatar có thể sẽ chấm dứt vai trò trung gian hòa giải cuộc xung đột Hamas-Israel sau khi bị một số thành viên Quốc hội Mỹ chỉ trích vì đàm phán hòa bình thất bại. Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman cho biết vào tuần trước tại Doha trong một cuộc họp báo với ông Fidan: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​những lời chỉ trích nhằm vào hoạt động hòa giải của chúng tôi và việc lợi dụng nó vì lợi ích chính trị hẹp hòi”.

Trong khi đó, có các thông tin xuất hiện vào cuối tuần trước rằng các nhà lãnh đạo Hamas đang bị gây áp lực phải rời Qatar, cùng với thông tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ là lựa chọn di dời hàng đầu của họ.

Thứ ba, hoạt động ngoại giao của Ankara cho thấy mong muốn rõ ràng về sự tham gia nhiều hơn. Chuyến thăm Doha của ông Fidan vào tuần trước đã thể hiện điều đó. Ngoại trưởng Fidan đã gặp Thủ tướng Qatar và với lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, sau đó ông này bày tỏ khả năng sẵn sàng giải tán cánh vũ trang của nhóm và trở thành một đảng chính trị nếu một nhà nước Palestine được thành lập theo biên giới năm 1967.

Ông Haniyeh tiếp đó đã tới Istanbul để gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào cuối tuần trước.

Ông Erdogan cũng đã gặp Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và sau đó tới Baghdad gặp Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani, người có quan điểm thân cận với Iran. Cũng trong ngày 22/4, giữa lúc có thông tin cho rằng chuyến thăm Mỹ vào ngày 9/5 tới của ông Erdogan có thể bị hủy bỏ, quan chức chống khủng bố Mỹ Elizabeth Richard đã tới Ankara để gặp các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn có đội tàu viện trợ mới của Thổ Nhĩ Kỳ cho Gaza, dự kiến ​​sẽ khởi hành trong tuần này và sẽ nâng cao hơn nữa vị thế của Ankara trong khu vực.

Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành một sắc lệnh trong tháng này nhằm vạch ra kế hoạch cải tổ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ với việc thành lập một cơ quan hòa giải.

Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban, Mỹ và chính phủ Afghanistan vào năm 2021, đồng thời làm việc với Nga, Iran và Qatar trong nhiều năm để đạt được một giải pháp chính trị ở Syria, mặc dù cả hai nỗ lực đó đều không thành công.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm trung gian cho hai vòng đàm phán Nga-Ukraine vào năm 2022. Dù các cuộc đàm phán hòa bình thất bại nhưng một thỏa thuận ngũ cốc thành công đã giúp ngăn chặn nạn đói ở châu Phi.

Có thể nói, Ankara giờ đây dường như đã bắt tay vào một chiến dịch công khai nhằm hòa giải, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lưu ý thêm ông kỳ vọng Tổng thống Erdogan “hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà lãnh đạo thế giới để nỗ lực cứu khu vực khỏi sự leo thang giữa Israel và Iran”.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Ankara có vị thế hòa giải tốt hơn Doha: Cả hai đều nằm trong số ít quốc gia có thể liên hệ với các lãnh đạo hàng đầu của Iran, Mỹ, Israel và Hamas. Qatar là nơi có sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một đơn vị Mỹ lớn cũng như vũ khí hạt nhân của Mỹ tại căn cứ Incirlik.

Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một yếu tố mà Qatar còn thiếu: tham gia chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng ở Đông Địa Trung Hải. Ankara có thể đưa ra một số nhượng bộ về năng lượng hàng hải cho các nước như Israel, Ai Cập và Hy Lạp. Tóm lại, là một thành viên NATO và là quốc gia ứng cử viên EU, Ankara gắn bó chặt chẽ với kiến ​​trúc kinh tế và an ninh phương Tây. Là bên ủng hộ Hamas và là bạn của Tehran, các nhóm vũ trang trong khu vực có xu hướng tin tưởng vào sự hoà giải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo thenationnews.com)