Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp

Đoàn Hùng (TTXVN) 08:11, 05/06/2024

Rạng sáng 5/6 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn nếu số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày vượt quá 2.500 người.

Người di cư từ bang Chihuahua (Mexico) vượt biên vào Mỹ ngày 2/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Người di cư từ bang Chihuahua (Mexico) vượt biên vào Mỹ ngày 2/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Washington D.C. dẫn lời giới chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết sắc lệnh của Tổng thống Biden, dựa trên Đạo luật Di trú và Quốc tịch - trong đó có điều khoản cấm nhập cảnh Mỹ đối với người nước ngoài vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp, coi như có hiệu lực ngay lập tức vì số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày hiện đã vượt quá 2.500 người. Mỹ sẽ mở lại biên giới một khi con số đó giảm xuống còn 1.500 người.

Trong cuộc họp báo qua điện thoại cùng ngày, một số quan chức Mỹ cấp cao cho hay "nhìn chung người vượt qua biên giới phía Nam bất hợp pháp, hoặc không được phép, sẽ không hội đủ điều kiện xin tị nạn, ngoại trừ trường hợp rất đặc biệt". 

Tổng thống Biden ký sắc lệnh trên trong bối cảnh chính quyền Washington đang chịu nhiều áp lực chính trị liên quan tới làn sóng người nhập cư ở biên giới phía Nam giáp Mexico. Trong diễn văn công bố sắc lệnh tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh "biên giới không phải là vấn đề có thể dùng làm vũ khí chính trị".

Ông Biden đã cân nhắc hành động trong nhiều tháng sau khi đạo luật lưỡng đảng nhằm hạn chế người xin tị nạn ở biên giới sụp đổ do hàng loạt đảng viên Cộng hòa rút khỏi thỏa thuận trước sự thúc giục của cựu Tổng thống Donald Trump - người dự kiến sẽ được đề cử là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tại đại hội toàn quốc của đảng này vào tháng tới. 

Dù số lượng người vượt biên bất hợp pháp ở biên giới Mỹ - Mexico đã giảm trong vài tháng qua, một phần do nỗ lực tăng cường của nhà chức trách Mexico, nhưng Tổng thống Biden vẫn tính tới biện pháp này trong bối cảnh đây là một trong những chủ đề quan tâm hàng đầu của cử tri khi chỉ còn nửa năm nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.



các chương trình định cư canada