Diễn ra trong hai ngày 17 và 18-10, tại Brussels (Bỉ), Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tập trung thảo luận nhiều vấn đề cấp bách như cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình Trung Đông, khả năng cạnh tranh của EU cũng như các thách thức về kinh tế, di cư, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học...
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (bên phải) và Thủ tướng Estonia Kristen Michal tại Brussels (Bỉ), ngày 16-10. Ảnh: Reuters |
Theo AP, tại hội nghị lần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ trình bày kế hoạch chấm dứt xung đột của Ukraine trước các lãnh đạo EU. Ông Zelensky cho biết kế hoạch gồm 5 điểm chính giúp tăng cường sức mạnh cho Ukraine và mở đường cho một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở sườn phía Đông châu Âu. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh gia nhập NATO là trọng tâm trong kế hoạch này.
Ngoài ra, các nước châu Âu cũng sẽ thảo luận về sáng kiến hòa bình, được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kỳ vọng các quốc gia thành viên sẽ cùng nhau tìm giải pháp thống nhất nhằm xây dựng một lộ trình hòa bình và tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
EU cam kết sẽ cung cấp khoảng 45 tỷ euro (50 tỷ USD) vào cuối năm 2024 để hỗ trợ các nhu cầu quân sự, ngân sách và tái thiết cho Ukraine. Để giúp Kiev chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ thảo luận về những biện pháp tăng cường hỗ trợ cho ngành năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, vốn đã bị thiệt hại đáng kể do xung đột.
Hội nghị lần này cũng dành thời gian thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Trung Đông, đặc biệt là tình trạng leo thang bạo lực nghiêm trọng. EU đã lên án cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, tôn trọng luật pháp quốc tế. EU cam kết sẽ góp phần hạ nhiệt căng thẳng và giảm leo thang để tránh xung đột lan rộng.
Theo Reuters, ngoài các điểm nóng xung đột thì chủ đề nhập cư cũng đóng vai trò then chốt trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này. Làm thế nào để giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp bằng đường biển và đường bộ là những gì mà các quốc gia thành viên EU quan tâm. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp, bao gồm tăng cường kiểm soát biên giới, tăng cường quan hệ đối tác và củng cố chính sách hồi hương.
Thực tế, vấn đề di cư bất hợp pháp trở thành chủ đề “nóng” không phải vì số lượng người nhập cư trái phép vào EU tăng lên mà do quan điểm của phe cực hữu bài ngoại đang ngày càng có thêm sức nặng. Theo Reuters, số lượng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu năm ngoái chưa đến 1/3 con số 1 triệu người được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Trong 9 tháng của năm nay, con số này thậm chí còn giảm xuống 166.000 người.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết, di cư đã trở thành một trong những ưu tiên chính trị hàng đầu ở hầu hết nước EU. Hiện nay, Đức đã áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới với tất cả nước láng giềng, đình chỉ quyền tự do đi lại trong khu vực Schengen. Tại Ba Lan, Thủ tướng Donald Tusk cũng đề xuất tạm thời đình chỉ một phần quyền tị nạn để đối phó với tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Các quốc gia như Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo, Italy và Slovenia cũng đã áp dụng biện pháp kiểm tra biên giới.
Trước đây, các quốc gia có lập trường cứng rắn về di cư như Hungary và Italy thường bị cô lập. Nhưng hiện nay, xu hướng chung trong EU đang dần nghiêng về hướng siết chặt chính sách di cư. Những động thái này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của nhiều quốc gia thành viên, khi họ tìm cách ứng phó với áp lực di cư ngày càng tăng.
Bên cạnh bài toán di cư, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ phải tìm ra giải pháp cho các vấn đề về kinh tế, điển hình là tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu kinh tế của EU. Hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để các quốc gia thành viên tìm ra một giải pháp cân bằng, một cách tiếp cận chung nhất nhằm giải quyết những vấn đề hóc búa hiện nay mà EU phải đối mặt. Đây cũng là cơ hội để EU gia tăng đoàn kết, củng cố tiếng nói của lục địa già trên trường quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin