Trong khi các quốc gia như Ba Lan đón nhận với hy vọng tăng cường quan hệ, thì những lo ngại về khả năng giảm cam kết an ninh của Mỹ và thỏa thuận bất lợi cho Ukraine đang khiến nhiều nước bất an.
Lễ khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Redzikowo, miền Bắc Ba Lan ngày 13/11/2024. Ảnh: PAP/TTXVN |
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump đã tạo ra những phản ứng trái chiều ở các quốc gia sườn phía Đông của NATO, đặc biệt là ở Ba Lan và các nước Baltic. Theo hãng tin AP, trong khi một số nghị sĩ bảo thủ tại quốc hội Ba Lan vui mừng trước sự trở lại này, thì nhiều người khác lại lo ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với an ninh châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine.
Tại một cuộc họp của Quốc hội Ba Lan, các nhà lập pháp nước này đã đứng dậy vỗ tay và hô vang tên ông Trump, thể hiện sự phấn khích về viễn cảnh chính quyền Trump 2.0. Những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở Trung Âu chia sẻ quan điểm chống người nhập cư và có xu hướng không coi trọng các tổ chức quốc tế, điều này khiến họ cảm thấy gần gũi hơn với chính sách của ông Trump. Họ hy vọng rằng sự trở lại của ông sẽ mang lại một chính sách ngoại giao thân thiện hơn đối với khu vực này.
Ngược lại, nhiều người ở khu vực gần xung đột tại Ukraine lại lo sợ rằng ông Trump có thể từ bỏ Kiev và buộc nước này phải ký một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga. Họ lo ngại rằng điều này sẽ khiến Moskva trở nên táo bạo hơn trong các hành động quân sự của mình.
Michał Baranowski, Giám đốc điều hành của GMF East, tổ chức nghiên cứu về an ninh châu Âu có trụ sở tại tại Warsaw (Ba Lan), cho rằng châu Âu cần phải đầu tư nhiều hơn vào an ninh và quốc phòng thay vì dựa vào sự bảo vệ của Mỹ như trước đây.
“Chúng ta, những người châu Âu - Ba Lan, Pháp, Anh và tốt nhất là cả Đức - cần phải hành động”, chuyên gia Baranowski lưu ý, đồng thời cảnh báo rằng chỉ bằng cách hành động, châu Âu mới có cơ hội ngăn chặn những kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, bao gồm cả việc Mỹ giảm bớt sự can dự vào châu Âu.
Các thành viên NATO hiện đang lo ngại rằng ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể chấm dứt cam kết kéo dài hàng thập kỷ nhằm đảm bảo an ninh ở châu Âu. Một căn cứ phòng thủ tên lửa mới đã được khánh thành ở miền Bắc Ba Lan, được coi là thành quả của nhiều năm lên kế hoạch từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Tuy nhiên, ông Trump đã từng hạ thấp vai trò của NATO trong quá khứ và đã đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi liên minh này. Một số người lập luận rằng đây có thể là chiến lược của ông Trump nhằm thúc đẩy các đồng minh chia sẻ gánh nặng ngân sách lớn hơn trong NATO.
Các quan chức ở Ba Lan và các quốc gia Baltic đã nhấn mạnh đến mức chi tiêu quốc phòng cao của họ so với GDP trong thông điệp chúc mừng gửi tới ông Trump. Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid cho biết quốc gia này và các nước Đông Âu khác đã tìm ra cách để liên lạc với ông Trump trước đây và hy vọng kỹ năng này vẫn còn hiệu quả trong tương lai.
Hiện tất cả mọi người đều đang theo dõi để xem liệu ông Trump có đạt được thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine như ông đã hứa hay không. Một thỏa thuận như vậy được kỳ vọng sẽ định hình an ninh trong khu vực theo những cách mới trong những năm tới.
Sự thay đổi ở Mỹ cũng đã làm thay đổi động lực của cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan vào mùa Xuân năm sau. Bộ trưởng Ngoại giao Radek Sikorski đã tham gia tranh cử để trở thành ứng cử viên cho đảng trung dung do Thủ tướng Donald Tusk lãnh đạo. Ông Sikorski lập luận rằng kinh nghiệm giúp ông trở thành lựa chọn tốt hơn trong giai đoạn này.
Như vậy, sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump không chỉ ảnh hưởng đến chính trị Mỹ mà còn tác động sâu sắc đến tình hình an ninh ở châu Âu. Trong khi một số nước vui mừng trước khả năng hợp tác thân thiện hơn với Mỹ, thì nhiều nước khác lại lo ngại về những hệ lụy tiềm ẩn từ chính sách đối ngoại của ông. Sự phân hóa này phản ánh rõ nét những thách thức mà NATO đang phải đối mặt trong việc duy trì sự đoàn kết và đảm bảo an ninh cho khu vực trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin