Sau khi tham gia thỏa thuận chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh (AUKUS) và hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, Australia có thể mất rất nhiều thời gian để hủy bỏ hẳn hợp đồng với Pháp.
Theo tờ The Age, ngày 21-9, Pháp tiếp tục thể hiện sự giận dữ khi Australia quyết định hủy hợp đồng mua tàu ngầm của mình để chuyển sang tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh. Cuối tuần trước, Pháp đã thực hiện bước đi chưa từng có tiền lệ là triệu hồi các đại sứ ở cả Australia và Mỹ về nước để phản đối cách hành xử không thể chấp nhận được giữa đồng minh và đối tác, đồng thời cảnh báo các thỏa thuận thương mại tương lai với Liên minh châu Âu (EU) có thể lâm nguy.
Trong khi đó, Nhật Bản và Philippines là những quốc gia mới nhất ủng hộ động thái của Australia liên quan AUKUS.
Ngoài ra, cũng xuất hiện thông tin rằng tàu ngầm hạt nhân của Anh có thể sẽ sử dụng Australia làm căn cứ để hiện diện liên tục trong khu vực theo thỏa thuận ba bên AUKUS vừa được thông báo ngày 15-9.
Chính phủ Australia đã gửi thông báo chấm dứt thỏa thuận đối tác chiến lược với công ty Pháp Naval Group tới trụ sở văn phòng của công ty này ở Paris ngày 15/9, vài tiếng sau khi công khai với thế giới.
Các nguồn tin xác nhận rằng thông báo trên là để chấm dứt thỏa thuận “tùy ý”, có nghĩa là Australia không cáo buộc công ty Pháp có vấn đề gì sai trái.
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu trong cuộc họp báo tại Canberra ngày 17/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Australia chưa chấm dứt thỏa thuận khung riêng rẽ giữa các chính phủ và quy trình này có thể mất tới ba năm. Ông nói với đài truyền hình France Televisions: “Bạn cần thảo luận 12 tháng để xác nhận sẽ hủy bỏ hợp đồng. Và sau đó thêm 24 tháng để chính thức hóa việc hủy bỏ đó. Vì thế chúng tôi muốn hỏi Australia xem họ định tuân thủ thỏa thuận hợp đồng thế nào”.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia cho biết không cần phải thông báo trước 12 tháng để chấm dứt thỏa thuận với công ty Pháp Naval Group, nhưng thừa nhận rằng có một thỏa thuận khung với Chính phủ Pháp liên quan chương trình tàu ngầm. Các bước để hủy hợp đồng này sẽ được thực hiện đúng trình tự.
Phát ngôn viên quốc phòng đối lập ở Australia, ông Brendan O’Connor đã cáo buộc Thủ tướng Australia Scott Morrison phớt lờ và xử lý sai động thái hủy bỏ hợp đồng với Pháp. Ông nói: “Trong lúc vội vã đưa ra thông báo này, chính phủ của ông Morrison đã không tính tới phản ứng của Pháp, không quản lý mối quan hệ quan trọng này và không lường trước vụ việc liên quan Australia và đối tác quốc tế”.
Sau khi triệu hồi các đại sứ, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã không mời Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne dự cuộc họp ba bên theo kế hoạch từ trước với người đồng cấp Ấn Độ ở New York.
Về phần mình, phát biểu sau khi tới New York để họp với Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo thế giới, ông Morrison cho rằng Australia không có cách nào có thể minh bạch hơn với Pháp mà không làm ảnh hưởng tới thỏa thuận rất nhạy cảm với Mỹ và Anh. Trong khi Tổng thống Biden sẽ điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong những ngày tới để xoa dịu tình hình, thì ông Morrison cho biết không có khả năng ông và Tổng thống Pháp sẽ có một cuộc đối thoại tương tự.
Indonesia và Malaysia đều bày tỏ quan ngại về cuộc đua vũ trang khu vực mà Australia có thể châm ngòi khi tham gia AUKUS để sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Trung Quốc coi đây là mối đe dọa cực kỳ vô trách nhiệm với an ninh khu vực. Triều Tiên cảnh báo AUKUS có thể kích hoạt chạy đua vũ trang khu vực.
Trái lại, Ngoại trưởng Philippins Teodoro Locsin Jr. cho rằng đang có sự mất cân bằng trong lực lượng ở khu vực Đông Nam Á nên tăng cường quân sự của một quốc gia như Australia là động thái được hoan nghênh. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng cho biết nước này hoan nghênh AUKUS. Ông nói: “Với Nhật Bản, mục đích to lớn là hòa bình và ổn định khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nên chúng tôi kỳ vọng đối thoại sâu sắc hơn với các nước khác”.
Trong khi đó, hai nhà ngoại giao EU cho biết đại sứ các nước của khối này đã hoãn cuộc họp trù bị của một hội đồng thương mại và công nghệ mới được thiết lập giữa EU và Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 29-9 để phản đối thỏa thuận AUKUS. Một tài liệu trong chương trình nghị sự công khai cũng cho thấy cuộc họp giữa 27 phái viên của EU đã bị rút lại, nhưng không đưa ra lý do.
Hai nhà ngoại giao cho hay Ủy ban châu Âu đã yêu cầu hoãn cuộc họp này. Theo kế hoạch trước đó, cuộc họp của Hội đồng EU-Mỹ mới ra đời, được công bố tại một hội nghị thượng đỉnh xuyên Đại Tây Dương vào tháng 6, sẽ diễn ra ở Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania, miền Đông Mỹ.