CIA đang “đại tu” cách thức đào tạo và quản lý mạng lưới điệp viên của mình nhằm chuyển đổi khỏi cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 20 năm và tập trung chặt chẽ hơn vào các cường quốc như Trung Quốc và Nga, các nguồn thạo tin tiết lộ với CNN.
Theo CNN, sau hai thập kỷ thực hiện những hành động bán quân sự ráo riết chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo, một số cựu sĩ quan và giám sát tình báo nói rằng CIA cần phải quay trở lại kiểu hoạt động thủ công truyền thống, lặng lẽ, cần thiết để thu thập thông tin tình báo về các đối thủ. Trong số các mục tiêu mà CIA tập trung có Trung Quốc, quốc gia mà các quan chức cấp cao Mỹ từng thừa nhận công khai rằng đã khiến cơ quan này gặp thách thức lớn nhất.
Về lý thuyết, sự thay đổi sẽ cho phép CIA triển khai tốt hơn tại các tiền đồn được coi là quan trọng đối với Trung Quốc - ví dụ như Tây Phi, nơi có nhiều đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh. Nó cũng sẽ giúp đảm bảo rằng cơ quan đang phát triển nhân lực có chuyên môn phù hợp về lâu dài. Ngoài việc chỉ thuê thêm người nói tiếng Quan Thoại và đầu tư vào công nghệ, động thái nói trên còn hướng đến trọng tâm của CIA là những người thu thập thông tin tình báo.
Việc chuyển hướng quản lý nhân sự có thể có tác động đáng kể đến cuộc sống của các điệp viên CIA. Kể từ một vài năm sau sự kiện 11/9/2001, các nhân viên CIA đã có nhiều quyền tự do hơn để chuyển sang các nhiệm vụ khác nhau trong cơ quan - thay vì phải ấn định với một vị trí. Nhưng theo chính sách mới, họ có thể quay trở lại phương thức "nằm vùng" lâu dài, hoạt động theo kỹ năng truyền thống.
Tập trung vào Trung Quốc
Những thay đổi lớn sau vụ 11-9 diễn ra vào thời điểm CIA cần biên chế cho các vùng chiến sự ngày càng tăng của Mỹ nhưng đã gây tranh cãi giữa các nhân viên tình báo. Mặc dù nó mang lại cho họ sự linh hoạt hơn, một số cựu sĩ quan CIA nói rằng kết quả là họ nhận được ít sự cố vấn cũng như ít cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn.
Theo chính sách mới, cái gọi là trung tâm sứ mạng của CIA – tức là các đơn vị tập trung vào những khu vực địa lý cụ thể hoặc các thách thức xuyên quốc gia - sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các nhiệm vụ, ngôn ngữ và các khóa đào tạo mà một sĩ quan tình báo nhận được trong dài hạn.
Thad Troy, một cựu sĩ quan tình báo từng là trưởng nhóm ở một số thủ đô châu Âu, cho biết: “CIA dường như đang cố gắng tái tạo một số hoạt động hiệu quả trước khi các cuộc chiến chống khủng bố thu hút sự tập trung của mọi người”.
"Nhìn chung, chúng tôi luôn tìm cách phát triển nhân lực một cách chuyên nghiệp. Con người là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", một phát ngôn viên của CIA cho biết. Cơ quan này từ chối bình luận về chi tiết cụ thể của bất kỳ thay đổi quản lý nhân sự nào.
Trong khi đó, các nguồn tin cho biết, sự thay đổi không chỉ nhằm vào Trung Quốc. Giám đốc CIA William Burns đã liệt kê vào danh sách những ưu tiên hàng đầu của ông đối với cơ quan này, cũng là ưu tiên trong các cuộc thảo luận công khai về tương lai của CIA.
"Chúng tôi rất tập trung vào Trung Quốc những ngày này, mặc dù tôi sẽ nói thêm rằng trong tất cả các cuộc thảo luận về Trung Quốc, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi là Cục Tình báo Trung ương, Mỹ, chứ không phải là Cục Tình báo Trung Quốc", Phó Giám đốc David Cohen nói tại một hội nghị tình báo gần đây.
Tuy nhiên, ông Cohen cho biết thêm, "điều mà chúng tôi nhận ra là chúng tôi cần thực sự tăng cường và đồng bộ hóa các nỗ lực xung quanh Trung Quốc."
Mục tiêu khó khăn
Các chuyên gia tình báo gọi Trung Quốc là "mục tiêu khó" khi CIA khó thâm nhập thông qua các phương tiện kỹ thuật số hoặc bằng cách tuyển dụng gián điệp.
Các quan chức tình báo hiện tại và trước đây nói rằng tình báo Mỹ bên trong Trung Quốc hoạt động kém cỏi một cách đáng thất vọng, vì nhiều lý do. Các cựu quan chức cho biết, sự thay đổi chính sách mới có thể giúp chống lại thách thức đó bằng cách xây dựng các “chuyên gia vùng” về lâu dài và giúp đưa họ đến đúng nơi với kỹ năng hoạt động phù hợp.
“Đối với chúng tôi, điều quan trọng đối với sứ mệnh tổng thể là phải có kiến thức chuyên môn về một khu vực địa lý hoặc một vấn đề", ông Troy nói. "Bạn không đạt được điều đó trong 6 tháng, nhưng có thể được trong quá trình làm việc tại một khu vực hoặc một vấn đề trong 10 năm trở lên."
Theo tờ New York Times, trong vài năm trở lại đây kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã triệt hạ một cách hiệu quả mạng lưới điệp viên được tuyển dụng của CIA, xoá sổ hoặc bỏ tù hơn một chục nguồn tin trong vòng hai năm. Các mạng lưới như vậy mất nhiều năm để phát triển và các nguồn tin cho biết họ không chắc chúng đã được phục hồi.
Một số nhà phê bình tin rằng việc CIA tập trung vào các nhiệm vụ chống khủng bố - với nhân viên tình báo thường hoạt động từ trong các đoàn xe bọc thép ở những quốc gia mà họ ít nói được tiếng địa phương - đã khiến bộ phận gián điệp truyền thống của họ bị “thiếu máu”.
Trong khi đó, sự gia tăng nhanh chóng của dữ liệu lớn và công nghệ giám sát phổ biến đã khiến công việc của những người thu thập thông tin tình báo trở nên khó khăn hơn vô cùng. Các quan chức cấp cao công khai thừa nhận rằng đã qua rồi cái thời mà một sĩ quan tình báo CIA chỉ cần lấy hộ chiếu mới và một danh tính mới ở quốc gia khác là có thể hoạt động.
Jennifer Ewbank, Phó Giám đốc Đổi mới Kỹ thuật số của CIA, cho biết tại một hội nghị tình báo gần đây: “Trung Quốc đã nổi lên là thách thức quan trọng và khó khăn nhất của chúng tôi”.
Sự thay đổi trong cách CIA quản lý các nhân viên tình báo của mình là một trong nhiều thay đổi mà CIA đã thực hiện để tăng cường khả năng do thám và phân tích nhắm vào Trung Quốc. Cơ quan này gần đây đã thành lập một "Trung tâm Sứ mạng Trung Quốc" - trung tâm duy nhất chỉ tập trung vào một quốc gia, thay vì một khu vực trên thế giới.
Ngoài trung tâm sứ mạng mới, CIA cũng đã bổ sung một cuộc họp hàng tuần với Giám đốc Burns chỉ tập trung vào Trung Quốc và đang được phân bổ nhiều ngân sách hơn cho mục tiêu này. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia trong tháng 12 cho biết các cơ quan gián điệp Mỹ đã tăng gần 20% chi tiêu liên quan đến Trung Quốc trong năm tài chính vừa qua.