Thổ Nhĩ Kỳ đắc lợi từ căng thẳng Nga – Ukraine

03:05, 24/12/2021

Bằng cách bán vũ khí cho Ukraine và mua vũ khí từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã đạt được một số mục tiêu địa chính trị của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine trong bối cảnh những lo ngại về một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Các cơ quan tình báo phương Tây cho biết Nga đã điều động 100.000 quân dọc theo biên giới với Ukraine. Phương Tây cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin có thể ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công vào cuối tháng 1, trong khi Moskva bác bỏ suy đoán này. Nga nhiều lần khẳng định hoạt động luân chuyển binh sĩ và thiết bị trong phạm vi lãnh thổ Nga là hoàn toàn bình thường và điều đó không nhằm đe dọa ai.

Ở Kiev, Ankara được coi là một trong những người ủng hộ quan trọng nhất, đặc biệt là sau khi Ukraine gần đây đã mua máy bay không người lái vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Bayraktar TB2 đã chứng tỏ là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh vào năm ngoái.

Theo thoả thuận đạt được giữa hai bên, tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Defense và Ukrspecexport của Ukraine đã thành lập một công ty liên doanh là Black Sea Shield để sản xuất máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 nội địa tại nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Các báo cáo cho thấy quân đội Ukraine hiện có nhiều máy bay không người lái quân sự tinh vi hơn Azerbaijan, nước chiến thắng rõ ràng trong cuộc xung đột kéo dài 44 ngày chống lại đồng minh danh nghĩa của Nga là Armenia.

Tháng 10 vừa qua, Ukraine đã lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái Bayraktar chống lại lực lượng đòi độc lập ở vùng Donbas. Giới quan sát phương Tây cho rằng loại vũ khí này chắc chắn có thể tỏ ra hiệu quả trong một cuộc chiến tiềm tàng nhưng không chắc chúng đủ để Ukraine tự tin trước sức mạnh quân đội Nga.

Nga đã có kinh nghiệm đối phó với máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya trong cuộc xung đột ủy nhiệm giữa Quân đội Quốc gia Libya (LNA - do UAE, Ai Cập và Nga ủng hộ) và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA - do Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn). Lực lượng LNA từng sử dụng thành công hệ thống phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất để hạ gục một số máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, chiếc Bayraktar chắc chắn có thể gây tổn thất nặng nề cho các lực lượng ở Donbas.

Moskva đã bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng" về việc Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái cho Ukraine. Tuy vậy, mối quan hệ quân sự ngày càng tăng giữa Ankara và Kiev dường như không ảnh hưởng đến quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, Nga vẫn giữ mục tiêu tăng cường hợp tác quân sự với Ankara.

Nhiều thông tin cho rằng Moskva đã bắt đầu chuyển giao công nghệ sản xuất một số bộ phận của hệ thống phòng không S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Điện Kremlin có kế hoạch chuyển giao một lô hệ thống tên lửa đất đối không S-400 khác cho Ankara.

Hơn nữa, Nga cũng đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị hỗ trợ nước này trong việc phát triển các máy bay chiến đấu tiên tiến.

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch chế tạo Máy bay Chiến đấu Quốc gia - một loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm được thiết kế trong nước - và Nga muốn tham gia vào dự án chế tạo này. Trước thực tế địa chính trị phức tạp hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sở hữu đội quân hùng mạnh thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có thể đi đến chế tạo máy bay phản lực với sự giúp đỡ của Nga, và cuối cùng vũ khí này có thể được bán cho… Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ - Ukraine là hai đối tác chiến lược và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để chỉ ra rằng việc Điện Kremlin sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga năm 2014 là “bất hợp pháp”. Tuy nhiên, cùng lúc đó, các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ chở vật liệu xây dựng đã nhiều lần ghé bán đảo này.

Mặc dù Ankara ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bằng lời nói, họ vẫn tiếp tục mua than do Donbas sản xuất từ Nga. Các mỏ than ở miền đông Ukraine đã xuất than sang Nga, sau đó, Moskva lại tái xuất than này sang một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể thấy, trong tam giác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine, Ankara dường như có vị thế thực dụng nhất.

Kể từ cuối tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần đóng vai trò trung gian cho Moskva và Kiev. Mong muốn làm trung gian hòa giải giữa Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky của ông Erdogan được thúc đẩy bởi tham vọng được coi là một nhà lãnh đạo khu vực, thậm chí toàn cầu. Đồng thời, ông đặt mục tiêu bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Biển Đen, và đó là một trong những lý do chính Ankara tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng Ukraine để làm đối trọng với Nga trong khu vực đó, trong khi Erdogan, đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ ở quê nhà, rất cần một chiến thắng về chính sách đối ngoại để cải thiện uy tín của mình. Đó là lý do tại sao ông được cho là sẽ tiếp tục tiếp cận và cung cấp dịch vụ đến cả Moskva và Kiev.

Điện Kremlin đã bác bỏ đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố rằng Nga “không phải là một bên trong cuộc xung đột Donbas”, trong khi chính quyền Ukraine đặt một điều kiện rõ ràng: Không có thỏa thuận nào sau lưng Ukraine. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vốn có lịch sử thực hiện các giao dịch âm thầm, cụ thể là ở Syria và Libya.

Trong tương lai gần, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - đối tác đồng thời là đối thủ - nhiều khả năng sẽ cố gắng tìm cách cân bằng các hợp đồng quốc phòng chung, các dự án năng lượng khổng lồ như đường ống TurkStream và việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Quan hệ giữa Ankara với Kiev cũng vậy.

Nhưng ngay cả khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, điều đó cũng khó có thể tác động tiêu cực đến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ hợp tác thực dụng theo tình huống của họ sẽ luôn được ưu tiên.