Chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

08:15, 31/07/2021

Từ lâu, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) đã phát triển mạnh chăn nuôi lợn theo hình thức trang trại, gia trại. Tuy nhiên, do hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được quan tâm đầu tư nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nước, không khí ở địa phương này.

Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết: Xã có diện tích tự nhiên rộng, quỹ đất lớn nên lĩnh vực chăn nuôi phát triển từ khá sớm, chủ yếu là chăn nuôi lợn. Trước đây, mỗi gia đình nuôi từ 4-10 con lợn/lứa, nhưng từ năm 2010 đến nay, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Phúc Thuận để xây dựng trạng chăn nuôi lợn, một số hộ trong xã cũng mở rộng quy mô chăn nuôi thành các trang trại, gia trại. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, khâu xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm nhiều nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí và trở thành vấn đề “nóng” ở địa phương.

Hiện, trên địa bàn xã Phúc Thuận có 11 trang trại lợn, với quy mô từ 2.000-3.000 con/lứa và hơn 350 hộ chăn nuôi lợn theo hình thức gia trại, với quy mô từ 30-150 con/lứa. Trước đây, hầu hết các trang trại đều xây dựng bể biogas để xử lý chất thải. Tuy nhiên, với quy mô chăn nuôi lớn, lượng chất thải phát sinh nhiều, các bể biogas thường quá tải. Một số hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ hơn thì xả thải trực tiếp ra môi trường rồi chảy xuống sông Trung Năng. 

Ông Nguyễn Hữu Khương, Trưởng xóm Bãi Hu nói: Trước đây, sông Trung Năng chảy qua xóm luôn trong tình trạng ô nhiễm, nước chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý một số trang trại xả chất thải xuống sông, tình trạng ô nhiễm đã giảm. 

Để giải quyết thực trạng ô nhiễm do chăn nuôi, thời gian qua, cơ quan chức năng của T.X Phổ Yên đã tăng cường kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Năm 2020, xã Phúc Thuận đã mời cơ quan chuyên môn về lấy mẫu nước sông Trung Năng để tiến hành quan trắc. Qua đó, nước sông vẫn còn ô nhiễm, nhưng mức độ đã giảm so với năm 2019. Cơ quan chức năng cũng kiểm tra, xử lý 3 trang trại vi phạm trong lĩnh vực này… Ngoài ra, địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Đến nay, 3/11 trang trại đã được Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh hướng dẫn để xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo quy chuẩn (dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay). 2 trang trại khác cũng đang đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Những trang trại, gia trại còn lại được yêu cầu phải xây dựng bể lắng, đề phòng trường hợp chất thải tràn trực tiếp ra môi trường.

Anh Trần Đăng Mạnh, ở xóm Phúc Tài chia sẻ: Trang trại của tôi đang chăn nuôi lợn với quy mô 2.500 con/lứa. Thời gian đầu, để xử lý chất thải, gia đình tôi đầu tư 5 bể biogas, với thể tích 500m3 nên chỉ xử lý được khoảng 70% lượng chất thải hàng ngày. Vì vậy, còn xảy ra tình trạng chất thải chăn nuôi tràn xuống sông, suối. Để giải quyết tình trạng này, tôi đang đầu tư hệ thống xử thải hiện đại qua 5 giai đoạn, với mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, chất thải chăn nuôi xả ra môi trường sẽ còn rất ít mùi hôi thối, cơ bản đạt chuẩn theo quy định.

Theo kế hoạch, xã Phúc Thuận phấn đấu đến năm 2025 sẽ di dời toàn bộ các trang trại, gia trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Hiện tại, xã đã quy hoạch được 7 vùng chăn nuôi tập trung, với tổng diện tích khoảng 50ha. Đồng thời, không tiếp nhận thêm việc đầu tư trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Đối với các gia trại, trang trại chưa thể di dời ngay đến vùng chăn nuôi tập trung đều được yêu cầu và ký cam kết phải xây dựng các bể biogas để xử lý cơ bản chất thải trước khi xả ra môi trường.