Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1316/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Điều này, một lần nữa cho thấy hành động quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa những sản phẩm thân thiện với môi trường vào cuộc sống.
Ước tính, mỗi ngày cả nước có hàng nghìn tấn bao bì các loại được tiêu thụ cho nhiều mục đích như đóng gói hàng hóa, chứa sản phẩm, rác hay các yêu cầu đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế… và cũng có hàng chục tấn rác nhựa thải ra môi trường mỗi ngày.
Chuyên gia phân tích, trong khối lượng bao bì đáng kể thải ra môi trường, bao bì làm từ chất dẻo chiếm hơn 60% sản lượng tiêu thụ, tức khoảng 80 tấn/ngày. Túi nhựa được sử dụng nhiều hơn vì những ưu điểm vượt trội: Giá thành rẻ, đẹp, dễ in ấn, độ bền cao… Đáng nói, để giảm giá thành sản phẩm, doanh nghiệp thường sử dụng một tỷ lệ lớn các loại nhựa tái chế từ túi đã qua sử dụng, điều này dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Việc lạm dụng sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa, đặc biệt nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, để phân huỷ hoàn toàn chất thải từ nhựa phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Rác thải nhựa hiện nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.
Mặc dù vậy, việc xử lý, tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, lạc hậu, ước tính 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ 10% được tái chế. Điều này không chỉ gây hại cho môi trường, con người mà còn lãng phí một nguồn tài nguyên khổng lồ.
Ông Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - cho rằng, nếu tính bài toán kinh tế, rác thải không phải bỏ đi tất cả mà có thể tận dụng. Rác thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác.
Theo Quyết định 1316/QĐ-TTg, Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện 4 nhiệm vụ, bao gồm: Hướng dẫn các cơ sở sản xuất thay đổi thiết kế bao bì nhựa, sản phẩm nhựa theo hướng giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa, sản phẩm nhựa; hỗ trợ, thúc đẩy cơ sở sản xuất tăng dần tỷ lệ nguyên liệu nhựa tái chế trong các sản phẩm hàng hóa.
Chỉ đạo tổ chức, thực hiện vận động doanh nghiệp sản xuất, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đăng ký tham gia phong trào chống rác thải nhựa; chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình trung tâm thương mại, chợ, siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa tái chế, lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nhựa có sử dụng phế liệu nhựa gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá nhu cầu sử dụng phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài làm cơ sở để điều chỉnh danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nên số doanh nghiệp, người lao động trong ngành Công Thương rất lớn. Để nâng cao nhận thức, hành động của doanh nghiệp, người lao động trong giảm thiểu chất thải nhựa, ngành Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu việc phát thải chất thải nhựa từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng; đồng thời cũng xác định việc thay thế từng bước sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng là hoạt động quan trọng. Quyết định 1316/QĐ-TTg được được xem như hành động quyết tâm nối tiếp Chỉ thị 33/CT-TTg của Chính phủ ban hành về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Theo đó, các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách lúc này để thực hiện đề án là: Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi nilon khó phân hủy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương; đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm. Đồng thời nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng các sản phẩm bao bì thay thế sản phẩm nhựa, sản phẩm túi nilon phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường đáp ứng quy định của Việt Nam...